Sự cố thủy điện Lào: Đang theo dõi chặt chẽ tác động tới Việt Nam

Thứ năm - 26/07/2018 02:20
 Các cơ quan chức năng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có những tính toán trước khả năng tác động của sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào tới Việt Nam.

Vị trí đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy.

Các tính toán sơ bộ đều cho thấy sự cố vỡ đập thuỷ điện XePian XeNamnoy (Lào) sẽ không gây tác động đáng kể đến diễn biến lũ trên đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cần tiếp túc theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố để dự báo và ứng phó kịp thời.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng 4-5 ngày tới, lượng nước từ sự cố hồ chứa của thủy điện này sẽ tác động đến dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long của nước ta, nhưng mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long chỉ gia tăng thêm tối đa khoảng 5-10cm.

Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường. Đến ngày 31/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,3m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,6m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,4m).

Do đó, sự cố vỡ đập thuỷ điện XePian XeNamnoy sẽ không gây tác động đáng kể tới Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục cập nhật, theo dõi tình hình để thông tin về các diễn biến và tình hình khắc phục sự cố.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, sau khi nhận được thông tin sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã giao cho các cơ quan đầu ngành tính toán và đưa ra nhận định bước đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến Việt Nam. Với mực nước gia tăng tối đa so với trước khi vỡ đập khoảng 5-10 cm và như vậy sẽ tác động không đáng kể.

Dự báo, sau khoảng từ 4 -5 ngày lượng nước sẽ về về đến thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long ở các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp…  Hiện nay, các đơn vị chức năng tiếp tục cập nhật diễn biến để có những dự báo kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Hải cũng cho biết, "hiện bên phía Thái Lan cũng có mưa rất lớn. Chúng ta cần tiếp tục cập nhật và dự báo lượng mưa, lưu lượng nước, dòng chảy từ thượng nguồn để có các giải pháp ứng phó lũ sớm. Hàng năm, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều phải rà soát các giải pháp để chủ động ứng phó với mùa lũ. Tùy theo mức độ sẽ có các giải pháp ứng phó phù hợp."

Còn ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Tổng cục Thủy lợi cũng đã giao cho các đơn vị khoa học của ngành để tính toán và dự báo. Theo số liệu thu thập được, hồ chứa thủy điện của Lào có dung tích trên 1 tỷ m3 nước. Hồ này mới tích nước từ tháng 3/2018 đến nay và dự tính lượng nước trong hồ khoảng 500 triệu m3. Khi hồ vỡ sẽ chảy vào hệ thống sông Mekong.

Kết quả tính toán nhanh dự báo, ngày 27/7 mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) sẽ dâng lên cao hơn khoảng từ 3-5 cm. Với mực nước như vậy, cơ bản không ảnh hưởng đến Việt Nam đặc biệt là vụ Hè Thu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, đây là số liệu ban đầu, Tổng cục Thủy lợi đang giao các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, cập nhập, đánh giá về tình hình mưa ở thượng nguồn để có những số liệu chính thức. Hiện đang vào đầu mùa lũ và lũ chính vụ hàng năm thường vào đầu tháng 10. Với lượng mưa dự báo ở thượng nguồn khoảng từ 100-200 mm  chưa ảnh hưởng nhiều.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/7, tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trước tình hình thiên tai trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, nhất là sự cố vỡ đập thủy điện XePian XeNamnoy.

Tại đây, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, do ảnh hưởng của vỡ đập XePian XeNamnoy dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long có thể gia tăng, dự báo mực nước tại Tân Châu  có thể gia tăng 7-10cm vào cuối tuần (ngày 27-28/7). Như vậy không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ trên đồng bằng sông Cửu Long. Ban cạnh đó, mực nước lũ trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long gia tăng tự nhiên đến giữa tháng 8/2018 và đạt đỉnh khoảng 3,2m tại Tân Châu.

Đây là các thông tin sơ bộ, cần tiếp túc theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố để có những ứng phó kịp thời.

Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị chức năng sớm có tổng hợp thông tin về cộng hưởng các tác động từ những đợt áp thấp vừa qua đến vùng Đồng bằng Sông Cửu long, sự cố vỡ đập thuỷ điện tại Lào và các tác động từ thượng nguồn sông Mekong.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã, đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và tính toán về khả năng tác động tới Việt Nam; liên hệ chặt chẽ với Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN, sẵn sàng gửi cán bộ kĩ thuật và lực lực tham gia Nhóm đánh giá nhanh và ứng phó khẩn cấp của ASEAN để hỗ trợ Lào khi được yêu cầu.

Nguồn tin từ Ủy hội sông Mekong cũng cho biết, sau khi phân tích dữ liệu các trạm quan trắc của Ủy hội trên sông Mekong, vụ vỡ đập tại Lào sẽ không ảnh hưởng tới Việt Nam.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi