Số liệu thực trạng của 53 dân tộc thiểu số: Nền tảng hoạch định chính sách

Thứ ba - 07/07/2020 23:02
Kết quả Điều tra lần thứ 2 về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (viết gọn là Điều tra 53 DTTS) vừa được Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố chiều ngày 3/7/2020 tại Hà Nội.    
 
so lieu thuc trang cua 53 dan toc thieu so nen tang hoach dinh chinh sach

Tỷ lệ học sinh đến trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng cao từng năm


Cuộc Điều tra 53 DTTS lần thứ 2 được thực hiện từ ngày 1/10 - đến 31/10/2019 tại 5.468 đơn vị hành chính cấp xã; 503 đơn vị hành chính cấp huyện, 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

So với cuộc điều tra lần thứ nhất (năm 2015), cuộc Điều tra 53 DTTS lần thứ 2 ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào điều tra nên chất lượng số liệu được nâng cao, quá trình xử lý thông tin được rút ngắn. Kết quả điều tra đã cung cấp toàn diện thông tin về dân số và phân bố dân cư, thực trạng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; thực trạng đói nghèo, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn, cán bộ đảng viên, di cư tự do, tôn giáo, tín ngưỡng an ninh nông thôn vùng DTTS và miền núi...

Cụ thể, tính đến tháng 10/2019, phần lớn các đường giao thông từ trung tâm xã vùng DTTS đến trung tâm huyện đã được cứng hóa với tỷ lệ ki-lô-mét được cứng hóa (trải nhựa hoặc bê tông) đạt 95,2%. Gần 90% các thôn thuộc vùng DTTS đã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa, tăng gần 17% so với năm 2015. 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS đã được tiếp cận điện. Trong đó, tỷ lệ thôn được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm tới 97,2%, tăng 4,2 % so với năm 2015. Hầu hết các xã vùng DTTS đã có trạm y tế, chiếm 99,5% - tương đương với kết quả điều tra năm 2015. Hầu hết các trạm y tế xã vùng DTTS được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố. Cả nước có gần 21,6 nghìn trường học và 26,5 nghìn điểm trường vùng DTTS, tương ứng tăng hơn 3,8 nghìn trường và giảm 2,3 nghìn điểm trường so với năm 2015; Tỷ lệ hộ nhèo DTTS là 22,2% (năm 2015 là 23,1%); 99,2% các hộ DTTS đã có nhà ở...
 

so lieu thuc trang cua 53 dan toc thieu so nen tang hoach dinh chinh sach

Giao thông đến các xã, huyện của nhiều địa phương vùng Dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện rõ rệt


Việc tiếp cận dịch vụ xã hội của đồng bào DTTS được cải thiện; nhiều lĩnh vực có kết quả tăng trưởng tích cực... là minh chứng cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh vùng DTTS và miền núi. So với 5 năm về trước, vùng DTTS đã từng bước “thay da đổi thịt”, đời sống của đồng bào 53 DTTS nhìn chung được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui, đến nay, tại vùng DTTS và miền núi, đường giao thông tại 6.337 thôn, bản vẫn là đường đất, đường tạm, đi lại rất khó khăn; 809 thôn, bản chưa có điện; vẫn còn 1.884 trường học bán kiên cố và đơn sơ; tỷ lệ hộ nghèo DTTS đã giảm nhưng số hộ DTTS có tỉ lệ hộ nghèo trên 50% lại tăng từ 7 dân tộc (năm 2015) lên 13 dân tộc (năm 2018). Trong đó, có các dân tộc như: La Hủ, Cống, Mảng, Xinh Mun, Vân Kiều, Ơ Đu, Mông, Khơ Mú...

Ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện công tác điều tra trong cuộc điều tra đặc biệt quan trọng này, ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT khẳng định: Kết quả cuộc điều tra là căn cứ có tính pháp lý để đánh gia kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2015-2020 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội  giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, là cơ sở, nền tảng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025...

Là tổ chức có nhiều năm gắn bó, hỗ trợ công tác giảm nghèo vùng DTTS của Việt Nam - bà Sitara Syed – Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam lưu ý: Các dữ liệu có được sau cuộc điều tra là công cụ hết sức quan trọng và cần thiết để xây dựng các chính sách lớn cho vùng DTTS và miền núi. Chính vì vậy, các dữ liệu này cần được phổ biến rộng rãi; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBDT, các tổ chức nghiên cứu quốc gia và các tổ chức phát triển quốc tế để có thể khai thác hiệu quả nhất.
 

so lieu thuc trang cua 53 dan toc thieu so nen tang hoach dinh chinh sach

Vùng Dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước


Đến từ Ngân hàng Thế giới – ông Obert Pimhidzai - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng: Bên cạnh thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khi mà đồng bào vùng DTTS đang gặp những bất lợi về địa lý, địa hình, tỷ lệ hộ nghèo cao. Do đó, các chương trình đặc thù, dành riêng cho đồng bào là rất cần thiết. Việt Nam cần tiếp tục tập trung nguồn lực, đảm bảo nguồn lực cho những địa phương đặc biệt khó khăn, đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách ở các khu vực này.

Cũng theo ông Obert Pimhidzai, phía Ngân hàng Thế giới tự hào vì những đóng góp đối với vùng DTTS và miền núi của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tới đây, Ngân hàng Thế giới tiếp tục cam kết sẽ cùng UBDT phân tích các dữ liệu của cuộc điều tra sâu hơn. Từ đó, đánh giá lại kết quả thực hiện trong quá khứ, tính đến các chính sách trong tương lai; xem xét xem chính sách nào cần nhân rộng, chính sách nào cần loại bỏ.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi