Ra đi để trở về!

Thứ hai - 30/07/2018 04:30
12 năm gắn bó với trạm y tế, chị vẫn quyết định ra đi, để sau 10 năm cùng những lần đấu tranh tư tưởng, chị đã quay trở về, cùng đồng nghiệp giúp bà con nơi huyện đảo thân thương thoát khỏi “vũng nghèo” về chăm sóc y tế.

 

Mẹ của sản phụ Nguyễn Thị Chung xúc động khi cháu bà được cất tiếng khóc trào đời ngay trên mảnh đất đảo quê hương. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Vui ngày trở về!

Một ngày đầu tháng 7/2018, tiếng khóc của trẻ sơ sinh cất lên từ dãy nhà tầng 1 của Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, phá tan không gian yên tĩnh, trầm lặng vốn có của nơi đây. Ngày hôm đó, 2 bé sơ sinh được cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui mừng khôn xiết của bố mẹ và người thân.

Mẹ của sản phụ Nguyễn Thị Chung (sinh năm 1975, huyện đảo Cô Tô) đón đứa cháu ngoại thứ 3 từ tay bác sĩ, với ánh mắt rạng ngời.

Bà vừa bế, vừa ngắm nhìn cháu và xúc động chia sẻ: “Nó là con thứ 3 của con gái tôi. Hai lần trước, con gái tôi cũng đẻ thường, nhưng vất vả lắm, vợ chồng và gia đình phải “tay xách nách mang” mọi thứ để đi tàu ra tận Vân Đồn trước 1 đến 2 tuần chờ đẻ. Nhưng đến giờ, bà cháu tôi không còn phải đi xa nữa”.

Cách đó mấy phòng, chị Nguyễn Thị Cảnh (sinh năm 1995, thị trấn Thanh Lân) sinh mổ đứa con thứ 2, quên đi vết khâu trên bụng còn chưa lành, chị nở nụ cười hạnh phúc bông đùa “Nếu Trung tâm Y tế cứ tốt như thế này, mình có thể đẻ thêm 1, 2 cháu nữa mà không phải lo gì. Từ giờ có bệnh cũng không phải đi xa nữa, có bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, chúng tôi an tâm hơn”.

Đứa thứ nhất nhà chị Cảnh cũng đẻ mổ cách đây 3 năm. Ngày ấy cả nhà phải “kéo nhau” đi mất 1,5 tiếng trên tàu vượt biển vào đất liền để chị sinh con. Chưa kể những ngày thời tiết không thuận lợi, tàu không ra vào được Cô Tô, nên gia đình cứ thấp thỏm. Lần sinh này, mặc dù thai ngược và phải di chuyển từ Thanh Lân sang Cô Tô khoảng nửa tiếng đi tàu nhưng chị Cảnh rất yên tâm vì được bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Cô Tô theo dõi sức khỏe cả mẹ và con cho đến ngày sinh.

 

Bác sĩ Bùi Thị Thuy kiểm tra sức khỏe cho sản phụ sau đẻ. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Nếu như trong đất liền, tiếng khóc trào đời của trẻ sơ sinh làm người lớn vui mừng và hạnh phúc mười phần thì âm thanh trong trẻo này vang lên trên mảnh đất huyện đảo chỉ vỏn vẹn 45 km2 lại khiến người ta vui mừng và hạnh phúc đến vỡ òa.

Bác sĩ Bùi Thị Thuy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô cho biết, đây là 2 trong số 40 ca sinh đẻ tại Trung tâm từ đầu năm 2018 đến đầu tháng 7 này. Năm 2017, Trung tâm đã thực hiện khoảng 100 ca đẻ mổ và đẻ thường. Trước đó, tỉ lệ sinh đẻ của người dân tại Trung tâm rất ít, chỉ khoảng 10%, nhưng hai năm nay, tỉ lệ này đã tăng lên đến 50%.

Bác sĩ Thuy cũng chia sẻ, trước đây, bệnh nhân cứ đến Trạm là chuyển hết vào đất liền. Nhưng mấy năm gần đây, người dân đã bắt đầu đặt niềm tin vào Trạm. Nếu như năm 2016, do thời tiết bất tiện, không thể đi tàu khách, Trung tâm phải sử dụng tới 27 chuyến xuồng cấp cứu đưa bệnh nhân vào đất liền, thì đến năm 2017 chỉ còn 11 chuyến phải chuyển đi, chi phí giảm hơn rất nhiều.

Nhớ lúc ra đi! 

Cũng từ Trung tâm y tế này, cách đây hơn 10 năm, chính bác sĩ Bùi Thị Thuy đã “bước đi” sau 12 năm gắn bó. Chị rời quê hương, để tới nơi giúp chị trau dồi kiến thức và nâng cao tay nghề.

 

Trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Năm 2007, chị công tác tại Trung tâm y tế huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Từ một bác sĩ gây mê, năm 2009, chị học cao học chuyên ngành ngoại khoa tại Đại học Y Hải Phòng và trở thành bác sĩ ngoại khoa.

Suốt 10 năm làm việc tại Trung tâm y tế huyện Vân Đồn, trong các ca trực, bản thân chị đã tiếp nhận không ít ca bệnh từ chính những gương mặt đồng hương và chị đã bật khóc trong một lần nhìn thấy đồng hương bệnh chuyển nặng do phải mất thời gian di chuyển từ Cô Tô ra Vân Đồn. “Nếu như mình đang ở đó thì mọi người đã không bị như thế này”, chị cảm thấy có lỗi với quê hương, có lỗi với bà con nơi “chôn rau cắt rốn” thật nhiều.

Mỗi lần như vậy, trong chị lại đấu tranh tư tưởng "trở về hay ở lại”. Người thân và gia đình đều phản đối chị quay về. Tuy nhiên, đầu năm 2017, như một lời hứa cần phải thực hiện với quê hương, chị đã quyết định trở về nơi mình lớn lên và quay lại làm việc ở Trung tâm y tế huyện Cô Tô, khi nghĩ rằng, nơi ấy còn bố mẹ chị cũng là người dân sinh sống trên đảo nhỏ thân thương, cũng rất cần được chăm sóc sức khoẻ.

Chồng chị đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Vân Đồn, con gái lớn đang học Đại học Hàng hải, và con gái út đang học cấp 2, ở cùng bố.

Năm 1979, chị Thuy theo bố mẹ đi xây dựng kinh tế mới ở huyện đảo Cô Tô. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Quảng Ninh, chị về công tác tại Trung tâm y tế huyện Cô Tô. Khi đó, Cô Tô chưa có điện lưới. Cả huyện chỉ có một máy phát, chạy với hai khung giờ, từ 7h đến 11h và từ 13h30 đến 16h. Thời gian còn lại, Trung tâm phải dùng bình ắc quy. Đến năm 2013, điện lưới quốc gia chính thức thắp sáng huyện đảo này.

 

Hiện có khoảng 6.500 người dân đang sinh sống trên đảo Cô Tô. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Giữ niềm tin với quê hương

Bác sĩ Thuy quay trở lại Trung tâm y tế huyện Cô Tô ở một cương vị mới, là Giám đốc. Nhưng Giám đốc của một Trung tâm y tế huyện đảo không chỉ có trách nhiệm “chèo lái” cả con thuyền mà còn phải trực tiếp “xắn tay” tập trung vào những giờ sống chết của bệnh nhân.

Trong điều kiện không có đủ người như hiện nay, mỗi bác sĩ của Trung tâm đều phải thực hiện được nhiều chuyên khoa khác nhau. Có bác sĩ vừa phẫu thuật xong, lại phải xuống phòng nội soi tai mũi họng cho bệnh nhân khác.

Thậm chí một bác sĩ phẫu thuật nội soi của Bệnh viện Việt Đức còn ngạc nhiên khi biết lần đầu tiên một bác sĩ của Trung tâm y tế huyện Cô Tô vừa chọc tủy sống xong, thay găng tay để mổ sản.

Hiện tại, mỗi ngày, Trung tâm y tế huyện Cô Tô tiếp nhận 40-60 lượt người khám. Từ một Trung tâm y tế huyện đảo có 20 giường bệnh năm 2010, đến nay, Trung tâm đã nâng lên quy mô 50 giường, 42 nhân lực, trong đó có 14 bác sĩ, đảm bảo khám chữa bệnh cho khoảng 6.500 người dân sinh sống trên đảo và du khách tham quan. Chỉ tính riêng trong năm 2017 vừa rồi, Trung tâm đã tiếp nhận tới 10.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị.

 

Các bác sĩ của Trung tâm đang thực hiện một ca tiểu phẫu cho bệnh nhân nhi. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Đặc biệt, từ tháng 10/2017 đến nay, Trung tâm đã thực hiện được 17 ca phẫu thuật nội soi. Trong đó, ca đầu tiên có đoàn công tác của các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hỗ trợ, còn lại do các bác sĩ của Trung tâm thực hiện. Đến nay, Trung tâm đã tự chủ 15% chi tiêu hoạt động thường xuyên.

Trung tâm cũng đã phẫu thuật các ca như mổ đẻ, mổ ruột thừa, mổ u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung…, còn những kỹ thuật chuyên sâu khác thì chỉ hồi sức ban đầu và chuyển bệnh nhân vào đất liền.

Cũng trong năm 2017, Trung tâm y tế huyện Cô Tô chính thức ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện và bước đầu triển khai thành công bệnh án điện tử. Điều này chính Giám đốc Trung tâm không thể tin rằng, sau một năm sẽ làm được nhưng với quyết tâm thay đổi, chị cùng các đồng nghiệp trẻ đã khẳng định bằng chính hiệu quả của công việc.

Dù có đôi lúc đấu tranh tư tưởng “ở lại hay trở về”, nhưng người con ấy đã chọn hướng trở về - nơi cách đất liền 60 hải lý, để về bên cha mẹ và bà con và dù thời gian trở về chưa đủ lâu, nhưng chị và những đồng nghiệp khoác áo blouse vẫn đang ngày đêm phụng sự Tổ quốc, góp phần “san bằng vũng nghèo” về chăm sóc y tế cho chính cha mẹ mình và những người dân quê đảo thân thương.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi