Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Thứ hai - 05/11/2018 21:57
Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 5/11, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

 


Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Hiện dự luật được xây dựng với bố cục gồm 8 chương, 42 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự luật nêu rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam là: Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến cấp cơ sở. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật. Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển. Dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội thảo luận và đóng góp ý kiến vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam; quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam; trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam...

Liên quan đến vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 3), một số ý kiến nhất trí quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân; một số ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hoặc thuộc Quân đội nhân dân; có ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam thuộc Chính phủ.

Một số ý kiến khác cho rằng, quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” là chưa thống nhất với Luật Quốc phòng; dễ gây hiểu nhầm Cảnh sát biển Việt Nam tương đương Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; khi có tranh chấp, xung đột trên biển, rất dễ bị thế lực thù địch lợi dụng.

Về vấn đề trên, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam của UBTVQH nêu quan điểm: Quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” là kế thừa Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với một số quy định của pháp luật; đồng thời làm căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 4), có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung một số nguyên tắc; có ý kiến đề nghị chuyển các quy định có tính nguyên tắc như: Nguyên tắc về hợp tác quốc tế (Điều 19); nguyên tắc phối hợp hoạt động (Điều 23)… về Điều 4.

Đề cập đến nội dung xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 5), có ý kiến đề nghị sửa lại tên điều là “Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam”; đồng thời, quy định cụ thể về hiện đại hóa vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật; chuyển một số chính sách như: Bảo đảm kinh phí cơ sở vật chất (Điều 39), khuyến khích phát triển tài năng (Điều 43) về Điều này.

Đề cập đến Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung của Điều này vì đã được quy định tại nhiều luật có liên quan; bổ sung một điểm cấm các hành vi vi phạm Điều lệnh Quân đội...

Quan điểm UBTVQH trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khẳng định, quy định tại Điều này là cần thiết để bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, thống nhất với một số luật về quốc phòng, an ninh. Về đề nghị bổ sung cấm vi phạm Điều lệnh Quân đội, UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm trực tiếp liên quan đến hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.

Về nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 8), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý nội dung các khoản để phân định rõ nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam, tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác hoạt động trên biển, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, sắp xếp lại vị trí một số khoản của Điều này như dự thảo Luật.

Về quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 9), UBTVQH thấy rằng, khoản 1 chỉ quy định về quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa trong vùng biển Việt Nam. Việc xác định hành vi vi phạm để thực hiện quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong hoạt động này đã được quy định tại Điều 13 dự thảo Luật và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, để rõ ràng, minh bạch, phù hợp với pháp luật liên quan, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã bổ sung cụm từ “theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan” và chỉnh lý Khoản 1 Điều này như dự thảo Luật.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam để tránh chồng chéo với các lực lượng chức năng khác. Về phối hợp hoạt động, có ý kiến đề nghị rà soát để tránh chồng chéo về nội dung; bổ sung quy định về sự phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với một số bộ, ngành có liên quan.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi