Quốc hội thảo luận dự án Luật Quản lý ngoại thương

Thứ hai - 07/11/2016 21:45
 Trong phiên họp chiều 7/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình, làm rõ những vấn đề được các ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập về dự án Luật Quản lý ngoại thương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Có hơn 20 ý kiến đại biểu phát biểu thảo luận, tập trung chủ yếu vào những nội dung liên quan sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh của luật; dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu; tính đồng bộ, thống nhất, tương thích giữa dự án luật với các luật liên quan; các biện pháp kỹ thuật, biện pháp kiểm dịch hàng hóa, phòng vệ thương mại…

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình, làm rõ những vấn đề được đại biểu Quốc hội đề cập.

Thay mặt Ban soạn thảo và thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết với hơn 110 ý kiến góp ý cho dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đề cập rất rộng và đa dạng trong tất cả các lĩnh vực, song tập trung vào một số vấn đề lớn, đặt ra các yêu cầu cần phải cân nhắc, tính toán, phân tích làm rõ thêm.

Theo đó, về tên gọi của dự án luật, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với tên gọi "Luật Quản lý ngoại thương", nhưng cũng có đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về điều này. Vì vậy, Ban soạn thảo xin tiếp thu và sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận kỹ và lấy thêm ý kiến để làm rõ. 

Bộ trưởng cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ đã thể hiện rõ đây là một luật rất quan trọng nhằm điều chỉnh các hoạt động về thương mại quốc gia giữa chủ thể là Nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước.

Về trách nhiệm của quản lý Nhà nước, ý kiến thẩm tra và ý kiến đa số đại biểu Quốc hội đều nhất trí giao Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về ngoại thương. Nguyên tắc này cũng phù hợp với một môi trường ngày càng minh bạch, công khai, theo đó, mỗi việc phải có một cơ quan đầu mối để thực hiện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ đồng tình với nhiều nhận định, đánh giá của các đại biểu Quốc hội cho rằng với một luật rất quan trọng trong hoạt động quản lý ngoại thương thì cần phải tiếp tục làm rõ thêm các nguyên tắc, nội dung cụ thể để quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan đầu mối (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính...).

Về hiện đại hóa công tác quản lý Nhà nước và thủ tục hành chính, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết có nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc cần áp dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến để thực hiện tốt các biện pháp quản lý và thủ tục hành chính đối với hoạt động ngoại thương, tránh để bị lạm dụng hay trục lợi trong chính sách quản lý của Nhà nước cũng như trong thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương.

Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp tục cụ thể hóa không chỉ trong văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện Luật này mà còn thể hiện ngay trong những nội dung, nội hàm lớn của dự thảo Luật trong báo cáo với Quốc hội lần sau.

Đối với một số vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng có nhiều khái niệm chuyên ngành mà khi luật đi vào thực tiễn có thể gây ra sự hiểu biết không đầy đủ, không hoàn thiện, gây khó khăn cho các cơ quan chấp hành pháp luật. Vì vậy, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu về việc phải bổ sung, giải thích rõ tất cả các khái niệm, các nội hàm có liên quan và sẽ trình bày cụ thể với Quốc hội trong các kỳ làm việc sau.

Nhấn mạnh về một số vấn đề liên quan đến quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định với thương nhân phải theo hướng hiện diện rõ hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của đối tượng này, tránh tác động xấu đến hoạt động thương mại lành mạnh của nền kinh tế cũng như tránh phân biệt đối xử giữa các loại thương nhân và coi đây là một nguyên tắc quản lý Nhà nước về ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định tiếp thu những ý kiến này và sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vào nội dung của các điều khoản trong dự luật.

Về các biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định các biện pháp này không vi phạm các quy định của WTO cũng như các khuôn khổ hội nhập mà chúng ta đã tham gia. Đây là thẩm quyền của Nhà nước và chúng ta có quyền, chúng ta cần phải tổ chức thực hiện để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của phát triển kinh tế - xã hội cũng như lợi ích của doanh nghiệp trong hội nhập ...

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là một luật khó, mang tính chuyên ngành, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc chỉ đạo Ủy ban Kinh tế chủ trì cùng với cơ quan soạn thảo, cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 3.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi