‘Phủ sóng’ thu phí không dừng toàn quốc: Hành trình còn gian nan

Thứ tư - 15/06/2016 00:03
Mặc dù Bộ GTVT đã ra “tối hậu thư” buộc các chủ đầu tư BOT lắp đặt trạm thu phí tự động không dừng (ETC), nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn 4 nhà đầu tư BOT chưa thực hiện.

 

Hệ thống thu phí tự động không dừng ETC và kiểm soát tải trọng xe trên QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, tại trạm thu phí Km 604+700 QL1. Ảnh: vetc.com.vn
Theo lộ trình của Bộ GTVT, đến ngày 30/6 tới, các chủ đầu tư BOT phải hoàn thành lắp đặt ETC trên các tuyến đường xây dựng trong năm 2014 và 2015. Đến năm 2018 cơ bản hoàn thiện trên tất cả tuyến quốc lộ cả nước và đến năm 2020, tất cả trạm thu phí toàn quốc sẽ thu phí tự động không dừng.

Như vậy, theo đúng tiến độ đã đề ra, sẽ có 28 trạm thu phí BOT buộc phải lắp đặt ETC trước ngày 30/6.

Mặc dù ngày 11/3 Bộ GTVT đã có “tối hậu thư”, yêu cầu các nhà đầu tư BOT trong diện phải lắp đặt ETC phải ký hợp đồng với các nhà đầu tư cung cấp công nghệ ETC trước 15/3, nếu không sẽ xem xét dừng thu phí nhưng đến đầu tháng 6, vẫn còn 4 nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng thực hiện việc này.

4 nhà đầu tư “chây ỳ” là: Công ty TNHH BOT đường tránh Thanh Hóa; Liên danh CTCP Tập đoàn Đại Dương, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, CTCP Đầu tư và thương mại 319 và CTCP Đầu tư Văn Phú-Invest (dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang theo hình thức BOT); Tổng Công ty Xây dựng số 1-TNHH MVT-Bộ Xây dựng (dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới); Liên danh Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn-CTCP Thương mại và tư vấn đầu tư xây dựng công trình số 9 (dự án đầu tư mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ-Phụng Hiệp).

Mới đây, liên danh TASCO-VETC (nhà đầu tư dự án ETC) đã có văn bản “cầu cứu” Bộ GTVT xin cơ chế đặc thù để thúc đẩy việc áp dụng thu phí không dừng tại 28 trạm BOT trên.

“Mặc dù doanh nghiệp đã rất tích cực, chủ động liên hệ với các nhà đầu tư BOT để thống nhất kế hoạch cũng như nội dung công việc lắp đặt ETC, nhưng khi liên hệ và cử các đoàn công tác vào từng trạm để triển khai thi công thì các nhà đầu tư BOT chưa cho thực hiện.

Lý do mà các chủ đầu tư BOT đưa ra là yêu cầu TASCO cung cấp các thủ tục pháp lý liên quan của dự án như hợp đồng BOO (sở hữu-kinh doanh), hợp đồng dịch vụ thu phí, ý kiến thẩm định hồ sơ thiết kế của Bộ GTVT, đại diện liên danh TASCO-VETC thông tin.

Xin cơ chế đặc thù để thúc đẩy lắp ETC

Để có thể đáp ứng tiến độ dự án theo yêu cầu của Bộ GTVT, liên danh TASCO-VETC đề xuất Bộ chấp thuận cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp được chủ động thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo hạ tầng, hồ sơ thiết kế hệ thống ETC làm cơ sở triển khai ngoài hiện trường. 

“Nhà đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng hồ sơ thiết kế và chấp nhận mọi rủi ro (nếu có) do sai sót của hồ sơ được phát hiện khi Bộ GTVT thẩm định sau này”, đại diện liên danh khẳng định.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng kiến nghị Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo các nhà đầu tư BOT phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai lắp đặt thiết bị ETC tại các trạm thu phí, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc đẩy nhanh các thủ tục.

Tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 diễn ra đầu tháng 6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, hiện trên thế giới cũng như ở Việt Nam chỉ có 2 hình thức thu phí, đó là thu phí lượt và thu phí theo chiều dài quãng đường sử dụng.

Đối với hình thức thu phí kín, người dân phải trả phí trên số km thực đi và bảo đảm công bằng, nhưng chỉ áp dụng đối với đường cao tốc vì kiểm soát được sự ra vào của phương tiện.

Còn đối với quốc lộ, chỉ mới áp dụng được hình thức thu phí lượt. Hình thức này có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng tương đối, vì người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn vẫn phải trả phí bằng người dân đi quãng đường dài, còn ở giữa 2 trạm thu phí thì không phải trả phí.

Về công tác kiểm soát doanh thu, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, công tác này không chỉ thực hiện bởi Bộ GTVT mà còn cả ngân hàng tài trợ vốn, các cơ quan thanh tra thuế thực hiện.

Đối với mỗi trạm thu phí, việc kiểm soát doanh thu của riêng nhà đầu tư qua 4 cấp: Người bán vé, trưởng ca, trưởng trạm và công tác hậu kiểm của doanh nghiệp dự án qua các số liệu báo cáo và dữ liệu hình ảnh lưu trữ.

Mặc dù đã có quy trình và nhiều chủ thể tham gia kiểm soát, nhưng vẫn có thể có thất thoát như phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng.

Để xử lý triệt để vấn đề này, bảo đảm minh bạch trong thu phí và giúp cơ quan chức năng kiểm soát doanh thu, Bộ GTVT đang triển khai hệ thống ETC ở toàn bộ các trạm thu phí, trong đó có hệ thống camera chuyển toàn bộ dữ liệu trực tuyến qua internet.

Trước mắt, Bộ GTVT đã chỉ đạo thành lập các “tổ đặc nhiệm” áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để giám sát các trạm thu phí có phản ánh tiêu cực và ngẫu nhiên với các trạm còn lại nhằm xử lý nghiêm minh, tăng cường công tác giám sát, đặc biệt lưu trữ các số liệu hình ảnh về lưu lượng xe, thành phần dòng xe để đối chứng.

“Bộ GTVT mong muốn các cơ quan thanh tra thuế, tổ chức tín dụng và người dân chung tay giám sát”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật bày tỏ.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Thư viện ảnh

Image cannot be loaded
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi