Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Tỉnh cũng đã giải quyết việc làm mới cho 30.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,55%; thực hiện tốt chính sách đối với người có công và đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo; an ninh chính trị được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng “Đề án nâng cao hiệu quả của công tác dân vận trong tình hình mới”, “Kế hoạch thực hiện Năm dân vận chính quyền 2018 trong các cơ quan Nhà nước” và Quy chế về “Xin lỗi cá nhân, tổ chức vì sai sót, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang”. Triển khai thực hiện tốt chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ.
UBND tỉnh đã ban hành 16 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính với 507 thủ tục hành chính và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 tăng 06 bậc so năm 2016, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 tăng 16 bậc, đứng 18/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2017 đạt 87,57%, đứng hạng 11/63.
Năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.883 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”. Hiện tỉnh có 46/119 xã (38,6%) và thành phố Châu Đốc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, năm 2018, tỉnh tiếp 6.232 lượt người và 4 đoàn đông người. Nhận 1.795 đơn khiếu nại tố cáo, tăng 6,23% so với cùng kỳ năm trước. Giải quyết 221/273 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 80,95%. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân khiếu kiện ra Trung ương.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho hay, chiều 15/12, thực tế khảo sát về công tác dân vận chính quyền và tình hình bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống buôn lậu trên địa bàn thành phố Châu Đốc và qua nghe báo cáo của tỉnh, ông ghi nhận và đánh giá cao những kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền 2018” của tỉnh An Giang.
Kết quả đạt được vừa qua chính là do tỉnh đã làm tốt việc quán triệt, triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền” kịp thời, nội dung phù hợp, bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương; tạo được sự đồng thuận trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, đảng viên.
Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng đã chỉ ra những vấn đề hạn chế như tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tăng so với năm trước nhưng quy mô còn nhỏ; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ bằng 67,5% cả nước; du lịch tăng trưởng tốt, lượng khách du lịch đông nhưng doanh thu còn thấp, hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ, chưa có sản phẩm mang tính đột phá; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào sự tăng trưởng nhu cầu của các nước nhập khẩu gạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn đang ở bước sơ khai, chưa tạo ra sự khác biệt trong sản xuất nông nghiệp của An Giang so với các tỉnh khác...
Đáng chú ý, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, công tác đấu tranh và triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu các mặt hàng này vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, còn tồn tại nhiều đường dây nổi cộm, có sự tiếp tay, bảo kê của một số cán bộ, công chức tha hóa, biến chất. Điển hình như vụ việc xuất khống hàng hóa để hoàn thuế VAT xảy ra trên địa bàn An Giang thời gian qua khiến cơ quan chức năng phải xử lý hơn 30 cán bộ, công chức hải quan.
Do đó, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị An Giang phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là những lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng như thế mạnh về nông nghiệp, du lịch để đưa những ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Về công tác dân vận chính quyền, cần xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước.
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Giải quyết kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức.
Về phòng, chống buôn lậu, phải quán triệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Xác định công tác chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Quan tâm phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới để người dân khu vực biên giới có cuộc sống ổn định, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu. Đối với các mặt hàng rác thải đội lốt phế liệu nhập khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh An Giang chỉ đạo quyết liệt, cương quyết xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép, buôn lậu phế liệu, rác thải đội lốt phế liệu.
Ngoài ra, cần kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức tha hóa, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. Đồng thời có biện pháp bảo vệ cán bộ, chiến sỹ thi hành công vụ, người dân tham gia tố giác tội phạm...
![]() |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tải. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tải (sinh năm 1927, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang).
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn