Những ngày gần đây, giá thịt lợn tiếp tục tăng cao, tác động đến chỉ số CPI, kinh tế vĩ mô và đời sống của người dân. Ngoài nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung còn có hiện tượng đầu cơ, găm hàng và đẩy giá lên cao, gom hàng bán sang các nước khác nhất là Trung Quốc.
Trước tình hình đó, tại cuộc họp ngày 18/11/2019 về công tác bình ổn giá những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban điều hành giá yêu cầu các Bộ, ngành tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, hoàn thiện lại báo cáo theo đúng ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 9380/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 10 năm 2019 theo nguyên tắc đánh giá đầy đủ, thực chất để xác định mức độ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, đề xuất các giải pháp cân đối cung cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là nhu cầu tăng cao trong những ngày lễ, Tết; tính toán cụ thể cung cầu của từng tháng, trong thời gian 3 tháng tới; báo cáo kế hoạch tái đàn cụ thể bảo đảm bù đắp thiếu hụt nguồn cung. Phần thiếu hụt còn lại, phối hợp với Bộ Công Thương để tính toán, đề xuất cụ thể số lượng cần nhập khẩu từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nguồn cung, kiên quyết không để thiếu hụt thịt lợn, nhất là các dịp lễ, Tết, bình ổn giá thị lợn và minh bạch thông tin, bảo đảm lợi ích hài hoà của người chăn nuôi, doanh nghiệp, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng, sớm có báo cáo Chính phủ trước ngày 20 tháng 11 năm 2019.
b) Tính toán chặt chẽ nguồn cung từng nhóm sản phẩm chăn nuôi, bổ sung loại hình chăn nuôi, hướng dẫn các địa phương có kế hoạch tái đàn phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn có biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch tốt trong thời gian tái đàn và tăng cường đàn.
c) Nghiên cứu, theo thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn việc vận chuyển giữa các địa phương đối với các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến.
d) Phân công cụ thể lãnh đạo Bộ phụ trách và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh, kế hoạch tái đàn, điều hòa cung cầu... đối với từng địa bàn cụ thể.
đ) Chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có Thông cáo báo chí về tình hình cung cầu thịt lợn để ổn định tâm lý người sản xuất, người dân, doanh nghiệp...
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không được lơ là và chủ quan, tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2019 và Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2019 và văn bản số 9380/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các cấp chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, xuất lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra và vào lãnh thổ Việt Nam.
Bộ Tài chính chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ khẩn trương hỗ trợ người chăn nuôi, nhằm giảm thiểu khó khăn và có thêm nguồn lực để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người chăn nuôi được vay vốn đầu tư mở rộng, khôi phục sản xuất chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi; tiếp tục xem xét cơ cấu nợ cho các chủ vật nuôi có gia súc, gia cầm buộc phải tiêu hủy vì dịch bệnh theo quy định.
Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết dương lịch, nguyên đán 2020.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp sau:
a) Tập trung tổ chức triển khai tốt phòng, chông dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Đẩy mạnh sản xuát các loại vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát dịch bệnh.
c) Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương; khuyến khích áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.
d) Yêu cầu các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn... cung cấp kịp thời đầy đủ nguồn cung, giá các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn, kiểm soát và tạo điều kiện cho việc lưu thông sản phẩm chăn nuôi, nhất là con giống trên địa bàn.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về nguồn cung, giá thực phẩm trong nước và khu vực, nhất là mặt hàng thịt lợn để người dân hiểu đầy đủ, không tạo ra lạm phát kỳ vọng, không để thương lái, doanh nghiệp trục lợi để tăng giá.
Nguồn tin: moit.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn