Phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Thực tế chưa như kỳ vọng

Thứ hai - 29/05/2017 01:11
Sau 10 năm thâm nhập vào thị trường xây dựng Việt Nam, đến nay mới chỉ có 60 công trình được nhận chứng chỉ xanh bền vững. Đây là con số quá khiêm tốn so với tốc độ phát triển của các công trình xây dựng tại Việt Nam.

Đây là thông tin đáng chú ý tại hội thảo khởi động chương trình phát triển công trình xanh do Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam tổ chức ngày 26/5.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, Việt Nam đang được dự báo sẽ phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu và từ những năm 2000, chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động tích cực. Điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác.

Để cụ thể hóa chủ trương này, mới đây, ngày 11/5, Bộ Xây dựng đã ban hành “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động thực sự hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.

Theo ông Nam, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn của đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Với riêng thị trường BĐS, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường BĐS. Vì vậy, các chủ đầu tư và người mua nhà cần có nhận thức đúng để thúc đẩy phát triển công trình xanh.

Về phía các nhà đầu tư, ông Trịnh Tùng Bách, Quản lý phát triển công trình xanh của Tập đoàn Capital House chia sẻ những cách làm hiệu quả trong xây dựng công trình xanh, tiết kiệm tài nguyên.

Ông Bách cho biết: “Tại các dự án của Capital House, nhờ ứng dụng dụng công nghệ, chủ đầu tư đã giúp cư dân tiết kiệm hóa đơn điện, tiết kiệm hóa đơn sử dụng nước đến 27,5% và 28% về vật liệu xây dựng”.

Nhận định công trình xanh là xu hướng tất yếu, ông Trịnh Tùng Bách cho rằng vấn đề trở ngại hiện nay là phần lớn chủ đầu tư và ngay cả người mua nhà còn có nhận thức rất mơ hồ. Nhiều chủ đầu tư thậm chí còn suy nghĩ nếu làm công trình xanh chi phí tăng thêm từ 10-20%, điều này hoàn toàn không đúng và cần phải nhận thức lại để thúc đẩy phát triển các sản phẩm theo xu hướng này hiệu quả. “Kết quả lớn nhất mà các công trình xanh đạt được là tiết kiệm tài nguyên cho thế hệ tương lai”, ông Bách khẳng định.

Theo bà Nguyễn Thu Nhàn, Quản lý công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng xây dựng bình quân tại Việt Nam đạt 12% và tốc độ đô thị hóa là 3,4%/năm. Cũng trong thời gian này, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn tăng GDP, bình quân 14%/năm.

Đại diện Quản lý công trình xanh của IFC cho biết, các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trong đó sử dụng năng lượng điện chiếm 33% và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

Giá trị thị trường xây dựng được dự báo sẽ đạt mức 14 tỷ USD vào năm 2021, trong đó gia tăng phân khúc nhà ở mật độ xây dựng cao và nhà cao cấp có mật độ xây dựng thấp. Với tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, Việt Nam sẽ còn chịu nhiều tổn thất về vấn đề sinh thái nếu không có biện pháp thúc đẩy công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Công trình xanh thâm nhập vào Việt Nam từ năm 2007 nhưng sau 1 thập kỷ đến nay chỉ có 60 công trình được nhận chứng chỉ xanh bền vững. Đây là một con số quá khiêm tốn so với những tòa nhà mọc như nấm sau mưa tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua.

Về vấn đề này, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng cho biết công trình xanh đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, thế giới đã có hơn 100.000 công trình xanh với hơn 1 tỷ mét vuông được đánh giá ở mức độ khác nhau, cho thấy chủ đầu tư đã nhận rõ lợi ích của công trình xanh trong chiến lược phát triển quốc gia và toàn cầu.

Tại Việt Nam, dự báo công trình xanh có sự phát triển mạnh mẽ, khả quan trong năm 2018. Ngày càng có nhiều công trình xanh được công nhận ở các nước theo các bộ tiêu chí khác nhau nhưng đều theo nguyên tắc chung: đạt hiệu quả tốt nhất trong lựa chọn địa điểm xây dựng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của công trình.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi