Vùng Tây Bắc thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo gồm 12 tỉnh miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây thuộc Nghệ An và Thanh Hóa, chiếm 1/3 diện tích cả nước với dân số trên 11 triệu người với trên 2.574 km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc… Dù nhận được nhiều quan tâm, nhưng do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, cho đến nay Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước với 29,14% hộ nghèo và 10,69% hộ cận nghèo. Do ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, lịch sử, tự nhiên, xã hội và tác động của xu hướng tội phạm trên thế giới và khu vực, tình hình hoạt động tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia tại các tỉnh vùng Tây Bắc đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ, mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực; các lực lượng chức năng đã tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, phát biểu tại Hội thảo khoa học “Vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc” |
Thực tiễn đó cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có lúc, có nơi có biểu hiện gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ, tác động xấu đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tình hình đó đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền trong vùng Tây Bắc cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh này, thực hiện tốt yêu cầu "Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh trên địa bàn, chủ động nắm chắc tình hình, không bị động, bất ngờ" của Bộ Chính trị.
Trước hết, để có các giải pháp phòng, chống tội phạm bảo đảm yêu cầu "đúng", "trúng" và "có hiệu quả", điều đầu tiên cần nhận diện và làm rõ các yếu tố đặc thù của vùng. Các giải pháp phòng, chống tội phạm cần gắn kết chặt chẽ với các nghiên cứu về địa lý kinh tế - xã hội, văn hóa, con người, tâm linh... của vùng Tây Bắc, của từng địa phương trong vùng, của các tỉnh biên giới thuộc Lào và Trung Quốc giáp với Tây Bắc. Từ chính những đặc điểm riêng biệt này sẽ quyết định mô hình, cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác phòng, chống tội phạm của vùng.
Thứ hai, cần rà soát, tổng kết các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm tổ chức xuyên quốc gia. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chủ trương, cơ chế...Trong thời gian tới, cần có tư duy mới trong xây dựng đường lối, chính sách, xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống tội phạm cho phù hợp bối cảnh, tính chất, nội dung của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ mới của nước ta nói chung và của Tây Bắc nói riêng.
Thứ ba, cần nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới, nêu rõ: “Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì ta thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì ta thành công hoàn toàn”; và “Tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được, Công an nhân dân phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân là những người giúp việc cho mình, làm mạng lưới Công an nhân dân, như thế công tác Công an nhân dân mới có kết quả”.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng được "thế trận lòng dân", trong đó, hết sức coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của cuộc đấu trang này, gắn chặt với việc đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và miền xuôi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng như: Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về ”Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về ”Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chỉ thị 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.
Thứ tư, cần thực hiện các giải pháp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Cần coi trọng việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn ở các địa bàn để có các đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 49/NQ/TW, ngày 02/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế trong phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã ký kết hoặc tham gia.
Thứ năm, cần phát huy thật tốt vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong phát triển kinh tế-xã hội. Các lực lượng công an, biên phòng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, cần phát huy vai trò tiên phong trong tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên. Cần hình thành thí điểm các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm từng địa phương Tây Bắc; sau đó nhân rộng ra toàn vùng.
Các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tận tâm, tận lực vì cuộc sống no ấm của nhân dân trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI.
Thứ sáu, cần tổng kết rút kinh nghiệm về công tác kết hợp, phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với các ban, ngành, đoàn thể từ thôn bản đến xã, huyện; giữa địa phương và Trung ương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm đẩy tới cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới đạt hiệu quả cao.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên là góp sức tích cực đáp ứng yêu cầu quan trọng mà Đảng ta đã nêu trong Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012, của Bộ Chính trị khóa XI: "Xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trung vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước"./.
TSKH. Nguyễn Văn Bình,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn