Mô hình bổ trợ là lựa chọn phân quyền duy nhất đáp ứng được cả yêu cầu về hiệu quả quản trị lẫn mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm
Tinh thần ấy đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh dứt khoát: "Phải phân cấp, phân quyền theo hướng: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm." Đây không chỉ là mệnh lệnh cải cách, mà còn là một định hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hệ thống chính trị - hành chính.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp điều hành rằng phải "phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương, bộ ngành không ôm việc, không ôm quyền." Đây là sự đồng thuận cao trong hệ thống lãnh đạo, thể hiện quyết tâm chính trị nhất quán trong việc chuyển giao thẩm quyền thực chất cho địa phương.
Gần nhất, thực hiện chủ trương của Đảng, chiều 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tại đây, Thủ tướng đã giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục khẩn trương rà soát trong lĩnh vực quản lý để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa cho các địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Chính lúc này – khi Quốc hội đang xem xét tiếp tục sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương – là thời điểm "vàng" để thể chế hóa chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư..
Tuy nhiên, để phân cấp, phân quyền mạch lạc và hiệu quả, cần xác định rõ một mô hình lý luận làm nền tảng. Có hai mô hình phổ biến trên thế giới: mô hình điều chỉnh (regulatory model) và mô hình bổ trợ (subsidiarity model).
Mô hình điều chỉnh, thường áp dụng trong các quốc gia liên bang như Hoa Kỳ, cho phép cấp dưới có thể có quyền cao hơn cấp trên trong một số lĩnh vực. Điều đó tạo ra sự tự chủ rất lớn, nhưng cũng có thể làm suy yếu tính thống nhất và điều phối trung ương – điều khó phù hợp với đặc điểm của Việt Nam là một quốc gia đơn nhất, có truyền thống hành chính theo trật tự cấp bậc rõ ràng.
Trong khi đó, mô hình bổ trợ lại dung hòa được giữa hiệu lực quản lý nhà nước và tính tự chủ của địa phương. Nguyên lý của bổ trợ là: việc gì cấp dưới làm được thì để cấp dưới làm; cấp trên chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết. Trung ương giữ vai trò kiến tạo pháp luật, hoạch định chiến lược, thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu và điều phối chính sách liên vùng, nhưng không làm thay cấp dưới. Đây là mô hình phân quyền có điều kiện, nhưng hiệu quả và bền vững.
Chúng ta cần một nền quản trị có năng lực phản ứng nhanh, sáng tạo tại chỗ và huy động được mọi nguồn lực trong xã hội
Đặc biệt, mô hình bổ trợ không cực đoan, không phá vỡ trật tự truyền thống có trên – có dưới, mà vẫn đảm bảo được nguyên lý phân công và kiểm soát quyền lực hợp lý. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, bổ trợ là mô hình phù hợp nhất để hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Mô hình bổ trợ không chỉ phù hợp về mặt nguyên lý, mà còn được thực tiễn quốc tế kiểm chứng. Tại Đức – nơi khai sinh nguyên lý này – phân quyền theo hướng bổ trợ đã tạo ra một hệ thống hành chính – chính trị năng động, minh bạch và hiệu quả. Các bang có quyền tự quyết sâu rộng trong giáo dục, y tế, hạ tầng và an sinh xã hội, trong khi chính phủ liên bang chỉ can thiệp khi có vấn đề vượt quá phạm vi hoặc năng lực địa phương. Mỗi bang vì vậy trở thành một "đầu tàu nhỏ", cùng vận hành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới một cách ổn định và bền vững.
Điều đặc biệt đáng chú ý là Nhật Bản – dù là nhà nước đơn nhất, hành chính tập trung – vẫn lựa chọn tiếp thu tư tưởng bổ trợ từ Đức sau Thế chiến II. Hiến pháp 1947 và Luật Tự trị địa phương đã xác lập rõ quyền tự trị của các đơn vị chính quyền địa phương. Các tỉnh và thành phố như Tokyo, Osaka hay Yokohama có quyền quyết định phần lớn các vấn đề phát triển đô thị, giáo dục, tài chính và hạ tầng tại chỗ. Mô hình này đã giúp Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 8% mỗi năm trong ba thập niên đầu hậu chiến, nhờ khai thác hiệu quả năng lực hành động tại chỗ và sự cạnh tranh chính sách lành mạnh giữa các địa phương.
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi mô hình đó. Nhất là trong bối cảnh đang tinh gọn bộ máy, bỏ cấp huyện như một cấp chính quyền, tiến tới tổ chức lại hệ thống thành hai cấp: tỉnh và cơ sở. Nếu vận hành theo mô hình bổ trợ, thẩm quyền giữa các cấp sẽ được phân định lại một cách mạch lạc: trung ương giữ vai trò kiến tạo luật pháp và chiến lược; cấp tỉnh điều phối vùng, phân bổ ngân sách, hỗ trợ kỹ thuật; còn cấp cơ sở sẽ thực thi chính sách cụ thể, quản lý đất đai, xây dựng nhỏ, giáo dục, y tế, an sinh – với quyền thực chất và trách nhiệm rõ ràng.
Quan trọng hơn, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, muốn đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế lên mức hai con số trong một giai đoạn nhất định, thì không thể chỉ dựa vào các gói đầu tư công hay cải cách thủ tục đơn lẻ. Chúng ta cần một nền quản trị có năng lực phản ứng nhanh, sáng tạo tại chỗ và huy động được mọi nguồn lực trong xã hội. Mô hình bổ trợ là lựa chọn phân quyền duy nhất đáp ứng được cả yêu cầu về hiệu quả quản trị lẫn mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.
Để mô hình này vận hành hiệu quả, ba điều kiện tiên quyết cần được bảo đảm. Thứ nhất, khung pháp lý phải rõ ràng, loại bỏ các vùng xám về thẩm quyền và trách nhiệm. Thứ hai, phân quyền phải đi đôi với phân cấp ngân sách, nhân lực và công cụ thực thi. Địa phương không thể "quyết và làm" nếu không có đủ phương tiện. Thứ ba, cần có cơ chế giám sát minh bạch và hệ thống giải trình chặt chẽ. Việc ứng dụng công nghệ số và dữ liệu mở sẽ là công cụ quan trọng để thực hiện điều đó một cách thông minh và hiệu quả.
Tinh thần mà Tổng Bí thư đề ra – "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" – phải được hiện thực hóa một cách mạnh mẽ và cương quyết, thống nhất, tránh hình thức. Muốn đi đến cùng, chúng ta phải có tư duy chủ đạo, có chủ thuyết dẫn đường, có luật pháp bảo đảm và có quyết tâm chính trị cao độ.
Chúng ta đang có đủ những yếu tố nền tảng nói trên để thực sự chuyển đổi được từ mô hình "xin – cho" sang mô hình "giao – chịu trách nhiệm"; từ bộ máy hành chính thụ động sang nhà nước phục vụ, kiến tạo và gần dân. Đó chính là con đường để Việt Nam xây dựng một hệ thống quản trị hiện đại, hiệu lực và bền vững – đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn