Những trái tim hồng mang dòng máu hiếm

Thứ hai - 09/04/2018 04:53
Sinh ra với dòng máu đặc biệt, những thành viên của CLB Máu hiếm Quảng Nam-Đà Nẵng luôn nhận thức về tầm quan trọng của dòng máu Rh- mình mang trong người và tâm huyết với công cuộc hiến máu cứu người.

 

Một thành viên CLB máu hiếm Quảng Nam-Đà Nẵng tham gia hiến máu tại BV Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Trang

Lặn lội chia sẻ những giọt máu nóng đến khắp mọi miền

Năm 2014, khi còn là sinh viên tại Huế, trong một lần tình nguyện hiến máu cho một người hàng xóm bị tai nạn, anh Phạm Xuân Quốc (28 tuổi, nay làm việc tại TP. Đà Nẵng) mới biết được mình có nhóm máu Rh-, nhóm máu rất hiếm ở Việt Nam. Biết được giá trị và tầm quan trọng của những giọt máu nóng đang chảy trong cơ thể mình, anh ghi danh vào các nhóm, CLB máu hiếm và sẵn sàng lên đường cho máu bất cứ khi nào người bệnh cần, dù xa xôi thế nào.

Anh nhớ lại: “Năm ngoái, khi đi làm về, tôi được CLB thông báo thông tin xin máu của người nhà một bệnh nhân bị tai nạn ở Thanh Hoá, tôi nhờ CLB gửi lại số liên lạc của mình thì được liên hệ ngay. Sáng sớm hôm sau, tôi bắt chuyến xe sớm nhất ra đó tiếp máu cho bệnh nhân. Còn lần gần đây nhất là chuyến đi lên Gia Lai cùng chị Thủy người Quảng Nam để truyền máu cho một bệnh nhân bị tai nạn”. Đến nay, anh Quốc đã 7 lần tham gia hiến máu đột xuất.

Chuyện trò với anh Nguyễn Văn Phước (33 tuổi), người cũng đã 5 lần hiến máu cứu người, gần đây nhất là cho một bệnh nhân bị bệnh nặng tại huyện Núi Thành, Quảng Nam, anh cho hay những chuyến đi xa đối với các thành viên CLB Máu hiếm đã trở nên quen thuộc, nhưng những thành viên không bao giờ quản ngại khó khăn, vất vả mấy cũng chịu được để cứu lấy mạng người.

Trong CLB Máu hiếm Quảng Nam-Đà Nẵng, “lão làng” nhất về số lượng hiến máu phải kể đến anh Lê Tâm, anh Hoàng Văn Thế, anh Nguyễn Quốc Huy với 17-20 lần hiến máu.

Đối với các thành viên trong CLB, ấn tượng nhất là cuộc chung sức giành giật lại mạng sống cho em bé sơ sinh tại Bệnh viện Trung ương Huế diễn ra vào tháng 9/2017. Lúc đó, có sản phụ mắc bệnh về máu hiếm chuẩn bị sinh con lần thứ 3, các bác sĩ tiên lượng phải thay máu cho trẻ sơ sinh thì mới giữ được sự sống cho cháu bé. Cùng với các tình nguyện viên ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, 10 thành viên của CLB đã tình nguyện ra Huế tham gia hiến máu, và ca mổ thai và thay máu cho cháu bé đã thành công tốt đẹp.

“Cả hành trình từ khi nghe tin vận động, hiến máu, chờ kết quả cháu mổ và lại tiếp tục chờ đợi quá trình thay máu, các thành viên vô cùng hồi hộp và khi nghe báo tin cháu bé khoẻ mạnh, mọi người vỡ oà trong vui sướng và mừng rơi nước mắt”, chị Lê Vũ Ngọc Thư xúc động kể lại.

CLB máu hiếm Quảng Nam-Đà Nẵng ra đời vào năm 2012 với chỉ 7 thành viên. Đến nay, sau gần 6 năm hoạt động, với sự tích cực kêu gọi, số lượng thành viên của CLB đã đạt gần 70, trong đó có 50 người Đà Nẵng và 20 người Quảng Nam.

Anh Đoàn Văn Hoà, Phó Ban Phong trào, Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng, cho biết CLB máu hiếm Quảng Nam-Đà Nẵng là một trong những đội hiến máu hoạt động mạnh, rất hiệu quả tại Đà Nẵng và toàn khu vực miền Trung. Hiện ở Việt Nam, tỉ lệ người mang nhóm máu này chỉ khoảng 0,07%, nhóm máu Rh- chỉ truyền được cho người máu Rh-, chính vì thế sự có mặt của CLB đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân mang dòng máu này trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên.

Với sự hoạt động tích cực, nhiều thành viên của CLB đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tuyên dương vì những thành tích xuất sắc trong hoạt động hiến máu nhân đạo như Chủ nhiệm CLB Lê Vũ Ngọc Thư, anh Lê Tâm, anh Hoàng Văn Thế, anh Nguyễn Quốc Huy...

Mong mỏi gắn kết những giọt máu hiếm

Đến lần sinh con thứ 3, chị Nguyễn Thị Nga (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), một thành viên trong CLB mới biết được mình mang dòng máu hiếm. Từ đó, chị tham gia CLB Máu hiếm Quảng Nam-Đà Nẵng với mong muốn được kết nối, chia sẻ, tuyên truyền những thông tin có ích đến nhiều người có chung nhóm máu với mình hơn nữa, đặc biệt là các sản phụ.

Chị chia sẻ: “Khi phát hiện ra mình mang máu hiếm, tôi cảm thấy rất may mắn vì 2 con gái đầu sinh ra đều khoẻ mạnh, chứ thực ra người mẹ mang máu hiếm sinh con tiềm tàng nhiều rủi ro”.

“Người mẹ có nhóm máu Rh- vẫn có thể sinh con bình thường, tuy nhiên khi cơ thể mẹ mang nhóm máu Rh- được truyền máu Rh+ hay mang thai con có nhóm máu Rh+ thì sẽ sinh ra kháng thể chống lại Rh+. Nếu để xảy ra các sang chấn khiến mao mạch bị vỡ, cơ thể người mẹ có nhóm máu Rh- sẽ tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên Rh gây các tai biến như sẩy thai, tan máu ở trẻ sơ sinh”, chị Nga giải thích.

Từ bài học của mình, chị Nga đưa ra lời khuyên: “Các bà mẹ nên đi xét nghiệm máu và khám thai định kỳ để có thể xác định nhóm máu của mình, tránh trường hợp đến lúc sinh mới biết là nhóm máu hiếm, lúc ấy thì nguy cơ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con là rất cao. Nên thông báo với cơ sở khám chữa bệnh là mình đang có nhóm máu hiếm Rh- để đề phòng tốt nhất trong trường hợp cấp cứu truyền máu, tránh rủi ro không đáng có trước khi sinh, được tư vấn các phác đồ điều trị tiêm thuốc kháng nguyên AntiD trong thai kỳ và cả sau sinh”.

Chị Lưu Vũ Ngọc Thư, Chủ nhiệm CLB, cho biết hằng năm CLB những người có máu hiếm Rh- khu vực miền Trung đều tổ chức các buổi hội thảo, riêng đối với CLB Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức gặp mặt hằng tháng để gắn kết các thành viên, đồng thời chia sẻ những thông tin hữu ích.

“Hiện nay, hầu hết các thông tin kêu gọi hiến máu được ban quản lý CLB cập nhật liên tục, thường xuyên trên các trang facebook, zalo. Đó là kênh kết nối nhanh nhất đến các thành viên, đồng thời cũng là kênh thông tin tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng về máu hiếm và vận động những người mang máu hiếm Rh- cùng tham gia CLB để cùng chia sẻ những giọt máu nóng nghĩa tình”, chị Thư cho hay.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Thư viện ảnh

Image cannot be loaded
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi