Sau khi được bầu làm đại biểu Quốc hội và được làm việc trực tiếp trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Quốc hội Khóa XII (2007-2011), tôi được gần gũi, học tập, rèn luyện và trưởng thành nhiều mặt từ vị Chủ tịch Quốc hội đáng kính của chúng ta.
Nhà lãnh đạo trí tuệ, sắc sảo, tâm huyết, giản dị
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn toát lên hình ảnh của một nhà lãnh đạo trí tuệ, sắc sảo về đường lối, tâm huyết, tận tình trong mọi công việc, đồng thời rất giản dị trong cuộc sống hàng ngày, luôn thân thiện, cởi mở, chân thành, không có khoảng cách nào giữa một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước với cán bộ, nhân viên cấp dưới.
Về sau này, phẩm chất ấy càng được thể hiện ở tầm cao hơn và sâu sắc hơn khi đồng chí giữ trọng trách Người đứng đầu Đảng ta. Đặc biệt, với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí đã có những chỉ đạo rất quyết liệt với cách làm bài bản, kiên trì, đem lại niềm tin lớn cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta cũng như sự khâm phục của bạn bè quốc tế.
Gần 20 năm là đại biểu Quốc hội, tôi có rất nhiều kỷ niệm cả trong nghị trường và đời sống thực tế của cử tri cũng như người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Nhưng có 2 kỷ niệm không bao giờ phai nhạt, như lời nhắc nhở tôi phải sống và làm việc có trách nhiệm, biết chia sẻ với mọi người, phải luôn rèn luyện, giữ vững phẩm chất, tư cách để sống đủ nhưng hạnh phúc, đầm ấm.
Kỷ niệm đầu tiên, đó là khi Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XII kết thúc, chuyến công tác đầu tiên (từ ngày 30.9 đến 4.10.2007) của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là đi thị sát và làm việc với các tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái).
Thời điểm ấy, đường lên Tây Bắc còn vô cùng khó khăn. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Văn phòng Quốc hội bố trí để các thành viên trong Đoàn công tác đi chung một xe cùng đồng chí. Lần đầu tiên đi công tác được ngồi chung xe với lãnh đạo cấp cao, anh em chúng tôi đều có phần lo lắng, thậm chí e ngại.
Song, sự lo lắng, e ngại đó lập tức bị xóa tan ngay lúc bước lên xe khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bắt đầu hỏi thăm từng thành viên trong Đoàn và đề nghị mỗi người kể một câu chuyện để tạo không khí vui vẻ, giảm bớt mệt nhọc do quãng đường xa.
Suốt chặng đường đi hôm đó, Chủ tịch Quốc hội như vị “trọng tài” nhận xét, đánh giá từng người sau mỗi câu chuyện kể, vì thế trên xe lúc nào cũng râm ran tiếng cười; nếu có ai đó ngủ gật, thì “trọng tài” lại nhắc tên và yêu cầu kể thêm chuyện nữa. Trong số chuyện kể của mình, tôi nói vui về việc từ khi dạm ngõ đến ngày cưới vợ, gia đình tôi tiêu tốn hết 21 con gà quê; sau này, mỗi lần gặp tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều cười và nhắc lại.
Khi câu chuyện đang vui, có lúc Chủ tịch Quốc hội yêu cầu dừng xe vào thăm một đơn vị Công an, một đồn Biên phòng nơi vùng biên, hay một cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm…; thấy bà con đang gặt lúa, Chủ tịch Quốc hội xuống tận ruộng cầm liềm, hái cùng gặt lúa với dân. Lúc đó, hình ảnh người đứng đầu cơ quan lập pháp thật gần gũi với đồng bào, không hề có khoảng cách.
Theo dõi, lắng nghe, ghi chép nội dung các cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo các tỉnh và các đơn vị đến thăm, tôi thấy, bao giờ Chủ tịch cũng nêu ngắn gọn các yêu cầu với cuộc làm việc và kết luận ngắn gọn, súc tích, toát lên 3 vấn đề. Đó là phải thật sự đoàn kết nội bộ, xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; chăm lo phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, phát huy lợi thế so sánh của địa phương để “đi trước đón đầu”; và chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt quan tâm đến các cá nhân, gia đình có công với cách mạng, đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số...
Sau này, khi được tham gia xây dựng Đề án cho Ban Chấp hành Trung ương về một số chính sách xã hội, tôi càng nhận thức rõ hơn những tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm phát triển chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách đối với người có công với cách mạng, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho nhân dân.
Với trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra Trung ương thảo luận, ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”. Do đó, lĩnh vực xã hội đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn.
Tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, trí tuệ và sự kiên định
Một kỷ niệm nữa, rất sâu sắc và cảm động không chỉ với riêng tôi mà với cả gia đình tôi, đó là vào một buổi chiều cuối thu, tôi nhận được điện thoại từ thư ký của đồng chí, cho biết Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ đến thăm gia đình.
Mặc dù thời điểm ấy, tôi đã đảm trách Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhưng tôi thật sự xúc động và thiển nghĩ: Một vị Chủ tịch Quốc hội, bộn bề trăm công nghìn việc lớn lao của đất nước, vậy mà vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên một cán bộ dưới quyền.
Chưa hết bồi hồi, thì Chủ tịch Quốc hội đã đến nhà. Đồng chí đi lại quan sát căn nhà với ánh mắt trìu mến và vỗ vai vợ chồng tôi căn dặn: “Nhà bé nhưng ấm cúng, cố gắng sống hạnh phúc, làm việc trách nhiệm, yêu thương và chia sẻ với mọi người nhé…”. Chúng tôi nhìn nhau và chân thành cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong niềm xúc động, biết ơn và kính trọng.
Lời nhắc nhở và động viên đó đã theo tôi suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội sau này và đến tận bây giờ. Đó cũng là lời nhắc nhở, động viên hằn sâu vào con tim khối óc, làm động lực để tôi không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhất là sự chia sẻ của tôi với cộng đồng, những người yếu thế bằng những chuyến đi mà tôi cùng đồng nghiệp làm thiện nguyện, tham gia “Ngày Chủ nhật yêu thương”, xây dựng và phát triển “Ngân hàng bò không nợ xấu”… đem yêu thương và niềm vui cho nhiều gia đình còn khó khăn ở các vùng miền trong cả nước.
Trong nhận thức và tình cảm của tôi, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương sáng của người lãnh đạo về phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tâm huyết, tận tình, sâu sắc; giản dị trong cuộc sống đời thường, nhưng bản lĩnh, kiên định trong công việc, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt tới đỉnh cao giá trị lý luận và thực tiễn về đường lối xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường XHCN độc lập - tự do - phồn vinh - hùng cường, Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Điều đó càng được khẳng định rõ nét trong suốt 3 nhiệm kỳ đồng chí giữ trọng trách Người đứng đầu Đảng ta, từ Đại hội XI đến nay.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn