Những anh hùng áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ tư - 22/09/2021 04:20
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cùng vời cả nước, đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã vượt lên trên những khó khăn đặc thù, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh… để ngày đêm đồng hành cùng bệnh nhân chiến thắng dịch bệnh.

 

Các y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Báo Đồng Tháp

 

Kể từ khi Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 24/6 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị trên 600 trường hợp mắc COVID-19, trong đó đã điều trị khỏi hơn 310 bệnh nhân. Để đạt được kết quả trên, có sự đóng góp không hề nhỏ của những “chiến sĩ áo trắng”. Họ đã không quản khó khăn, gian khổ cũng như nỗi sợ về dịch bệnh để xung phong trên tuyến đầu chống dịch.

“Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc có tổng số 565 cán bộ, viên chức, trong đó có gần 400 người trực tiếp tham gia công tác chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, số còn lại đảm nhiệm công tác hậu cần bên ngoài. Dịch bệnh COVID-19 ập đến như một cơn bão không được dự báo trước khiến mọi hoạt động tại bệnh viện trở nên xáo trộn. Ở ngay trong tâm dịch, các “chiến sĩ áo trắng”của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã giữ vững ý chí, dùng hết sức mình để cứu chữa cho các bệnh nhân”, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc cho biết.

Có người gia cảnh khó khăn nhưng với trách nhiệm thiêng liêng của người bác sĩ, họ đã gác lại chuyện riêng để lao vào “trận chiến” với nhiệm vụ cứu người. Đơn cử như bác sĩ Trần Thị Bích Trâm, nhà có 2 con, con nhỏ chỉ mới 2 tuổi, khi dịch bệnh bùng phát, chị đã giao nhiệm vụ chăm sóc 2 con lại cho chồng để tham gia chống dịch, dẫu biết rằng cuộc chiến này lắm gian nguy khi phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Bác sĩ Trâm tâm sự: “Khi chọn ngành y thì mình đã chấp nhận nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, quan trọng là cố gắng hết sức mình và biết cách tự bảo vệ bản thân để có sức khỏe tiếp tục chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc không có nhiệm vụ nào là nhẹ nhàng hơn nhiệm vụ nào. Nếu như các y, bác sĩ là những người từng giây, từng phút chiến đấu giành lại sự sống cho các bệnh nhân thì các điều dưỡng chính là những người thường xuyên túc trực, chăm sóc cho các bệnh nhân bởi bệnh nhân COVID-19 khi nhập viện chỉ một mình, không có người thân bên cạnh. Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân, làm công việc điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc là người thường xuyên trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh COVID-19. Chị phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong nhiều giờ liên tục, suốt ca làm việc mồ hôi chị ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang.

Chị Vân cho biết, công việc của điều dưỡng hằng ngày là chăm sóc bệnh nhân, lấy dấu hiệu sinh tồn để các bác sĩ thăm khám, thực hiện các y lệnh thuốc của bác sĩ, các cận lâm sàng, tập cho bệnh nhân nằm sấp, nằm nghiêng để bệnh nhân dễ thở hơn. Sau đó đem thức ăn, nước uống cho bệnh nhân, đồng thời kiêm luôn việc vệ sinh cá nhân giúp bệnh nhân.

Đối với các bệnh nhân nặng phải thở máy, điều dưỡng phải làm toàn diện hơn, tắm rửa, xoay trở, hút đàm, cho uống thuốc, làm siêu âm hay các thủ thuật phụ giúp các bác sĩ. Rồi động viên, an ủi các bệnh nhân vì hầu hết bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều lo lắng về bệnh của mình, người điều đưỡng phải trò chuyện, động viên bệnh nhân rất nhiều. “Tuy không phải là người thân nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiều ngày, chúng tôi giống như là người thân của bệnh nhân. Chăm sóc bệnh nhân, thấy bệnh nhân ăn uống được, khỏe hơn và khi bệnh nhân được xuất viện thì mình rất vui mừng”, chị Vân chia sẻ.

Được biết, hơn 2 tháng qua, chị Vân cùng với chồng là anh Lê Văn Hữu Lộc-Kỹ thuật viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã gửi lại con thơ cho ông bà nội chăm sóc để luôn có mặt ở bệnh viện chăm sóc bệnh nhân. Những khi nhớ con, vợ chồng chị chỉ biết nhìn con qua điện thoại, rồi cố nén cảm xúc để người nhà an lòng, đỡ phần lo lắng.

Chị Vân chia sẻ: “Lúc vào ca là không có thời gian cầm điện thoại, mình quay cuồng với công việc. Đến khi được nghỉ ngơi, chợt nhớ đến con thơ mà không cầm được nước mắt nhưng tự dặn lòng là phải cố gắng vượt qua, cố gắng giữ gìn sức khỏe cùng đồng nghiệp chiến đấu, sớm đẩy lùi dịch bệnh để về với con và gia đình”.

 

Hơn 2 tháng qua, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã tiếp nhận trên 600 bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Thấu hiểu được sự vất vả và hy sinh to lớn của các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ, những ngày qua, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc luôn động viên, chia sẻ khó khăn, chăm lo mọi mặt để các lực lượng tuyến đầu ở bệnh viện yên tâm làm nhiệm vụ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc cho biết: “Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Sa Đéc cung ứng tương đối đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, đồ bảo hộ để bảo đảm an toàn các y, bác sĩ trong quá trình tham gia điều trị.

Ban Giám đốc bệnh viện cũng nỗ lực củng cố tinh thần, chăm lo đời sống cho cán bộ, viên chức an tâm trong công việc, tặng thưởng nóng để khích lệ tinh thần. Ngoài ra, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, sức khỏe cho cán bộ, viên chức ở bệnh viện, phục vụ các bữa ăn đầy đủ chất, đồng thời bố trí chỗ ở tại bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho các anh chị em an tâm công tác.

Trong cuộc chiến gian khổ, vất vả này, các y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã được tiếp ứng về nhân lực từ sự chi viện của các chuyên gia của bộ y tế đặc biệt là sự có mặt hỗ trợ của bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng với các đoàn y bác sĩ của các bệnh viện: Lão Khoa Trung ương, Trung ương Huế, Bắc  Giang, Bệnh viện E, Bắc Ninh, Cần Thơ...

Bên cạnh đó là những tấm lòng đang hướng về tuyến đầu để động viên, tiếp thêm năng lượng cho các y, bác sĩ qua các bếp ăn thiện nguyện hằng ngày cung cấp những suất ăn dinh dưỡng cho các y, bác sĩ hay những phần quà nghĩa tình, những trang thiết bị được tiếp tế từ những tấm lòng vàng. Hy vọng cùng với hậu phương vững chắc từ gia đình và xã hội, với ý chí, nghị lực và y đức của mình, các y, bác sĩ sẽ góp phần cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi