![]() |
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ 1 tại Kim Bình (5/1952) |
Trong 24 năm của cuộc đời trên cương vị Chủ tịch Chính phủ rồi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng nghìn bài báo, thư, trả lời phỏng vấn, bài nói chuyện nhằm cổ vũ tinh thần dựng nước và giữ nước... Bên cạnh đó, có một thể tài đặc biệt chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc động viên cả dân tộc đứng lên. Đó là những Lời kêu gọi của Người.
Từ năm 1945 đến 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh 3 lần viết Lời kêu gọi khi vận nước đứng trước những bước ngoặt, thử thách một mất một còn. Đó là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 12/1946 với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11/6/1948 bao trùm cả hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Ngày 17/7/1966, khi Mỹ huy động tổng lực cỗ máy chiến tranh chống lại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã viết: "Không có gì quý hơn độc lập tự do!".
Mở đầu Lời kêu gọi thi đua ái quốc là câu: "Cùng toàn thể đồng bào yêu quý" rất gần gũi và thân quen của Người. Tiếp theo Người viết: "Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai", sau lời khẳng định ấy, Người chỉ rõ: "Nay muốn tự cấp, tự túc đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau". Người kêu gọi: "Sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai già, trẻ, toàn thể quốc dân ta vô luận ở địa phương nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất".
2 tháng sau khi ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người đã ký 3 sắc lệnh về thi đua ái quốc, đặc biệt là Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương và các cấp. Sắc lệnh này quy định Ban Vận động được xuống tới cấp xã, có nhiệm vụ hàng đầu là vận động, đôn đốc, thu thập và phổ biến kinh nghiệm về việc thi đua.
70 năm đã qua, tư tưởng và những lời dạy hiệu triệu của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Đó là khơi lên niềm tự tôn dân tộc trong mỗi người để cùng nhau nắm bắt cơ hội vượt qua thách thức, xây dựng đất nước phồn vinh.
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn