Nhiều tín hiệu vui cho thanh long Bình Thuận

Thứ tư - 23/11/2016 21:41
Sáng nay 23/11, tại tỉnh Bình Thuận, Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ thanh long đã được tổ chức và tập trung vào các vấn đề về phát triển thương hiệu, quy chuẩn và xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững cho quả thanh long cả ở trong và ngoài nước.

Cũng tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ thanh long giữa Sở Công Thương các tỉnh thành phố, giữa các DN Việt Nam và giữa DN Việt Nam với DN Trung Quốc.

 

Hội nghị do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao sự tham gia đông đủ của các thành phần từ nhà phân phối bán lẻ hiện đại, chợ đầu mối nông sản đến các DN sản xuất, DN thu mua thanh long trong và ngoài nước. Thông qua hội nghị, các DN trồng sản xuất, kinh doanh thanh long có thể kết nối, tìm kiếm được các đối tác phù hợp để thúc đẩy hoạt động xúc tiến tiêu thụ thanh long mang tầm quốc gia và quốc tế, Thứ trưởng Thoa bày tỏ mong muốn.

 

 

Bình Thuận là địa bàn có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất so với cả nước đạt trên 26.500 ha, sản lượng thu hoạch trên 500 ngàn tấn/ năm. Trong đó, hơn 10.000 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGap; gần 1500 ha thanh long đã được xác nhận mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hoa Kỳ, 262 ha thanh long được cấp chứng nhận GlobalGap... Phần lớn sản lượng thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu (80 - 85%). Tuy nhiên, xuất khẩu chính ngạch chỉ khoảng 2 - 3%, còn lại được vận chuyển ra các tỉnh biên giới phía Bắc để tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Thị trường nội địa tiêu thụ 15 - 20% sản lượng và hoạt động mua bán thanh long do các DN, cơ sở thu mua, đóng gói, thương lái kinh doanh thanh long thực hiện thông qua các kênh phân phối như chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ… ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước.

 

Ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thông qua những chương trình xúc tiến hiệu quả của Bộ Công Thương đã tạo thuận lợi cho các DN, nhà sản xuất thâm nhập vào các kênh phân phối, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nói chung cũng như thanh long tại tỉnh Bình Thuận nói riêng.

 

 Tuy nhiên, khó khăn đối với trái thanh long Bình Thuận hiện nay là đa số các DN xuất khẩu Thanh Long của Bình Thuận chỉ có quy mô vừa và nhỏ, thiếu kinh phí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa người trồng và DN thu mua chưa chặt chẽ khiến giá cả không ổn định. Chính vì vậy, nhiều hợp tác xã, các DN trồng thanh long cũng kiến nghị nhà nước xem xét tính giá điện hợp lý cho việc chong đèn trồng thanh long trái vụ, hỗ trợ kiểm hóa hàng hóa xuất ngay tại kho nhằm giúp ổn định giá sản phẩm. Hiện các vùng trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap có giá thành sản xuất cao nhưng giá thu mua thất thường làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người trồng...

 

 

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị cho trái thanh long, các tỉnh thành nói chung và Bình Thuận nói riêng đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thu hút các DN trong và ngoài tỉnh cũng như DN nước ngoài tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến các hoạt động mở rộng tiêu thụ nội địa ở TP HCM, Hà Nội và các địa phương có dung lượng thị trường lớn. Đến nay, các cơ quan chức năng ở Hà Nội và TP HCM đã cam kết giúp Bình Thuận đưa trái thanh long tiếp cận tới các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị bán lẻ trên địa bàn.

 

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, cụ thể, trung bình  hàng năm TP HCM hỗ trợ tiêu thụ từ 30 - 32 ngàn tấn thanh long cho các tỉnh thành. Thành phố cũng sẵn sàng thực hiện các chương trình kết nối cung cầu và hỗ trợ tiêu thụ không chỉ mang mục đích kinh doanh mà còn mang nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả kinh doanh bền vững Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng thương hiệu thanh long, hướng dẫn người trồng chú trọng chất lượng theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

 

Tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ thanh long giữa Sở Công Thương các tỉnh thành phố, giữa các DN Việt Nam và giữa DN Việt Nam với DN Trung Quốc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lưu ý các biên bản ký kết này cẩn phải được các tỉnh thành theo dõi, đôn đốc thực hiện một cách thường xuyên và báo cáo kết quả về cho Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Các tỉnh thành liên quan cần báo cáo kết quả thực hiện cụ thể 6 tháng/ 1 lần để đảm bảo hiệu quả cao nhất từ các hoạt động ký kết.

Nguồn tin: www.moit.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi