Nhiều học sinh Nghệ An viêm cầu thận cấp: Do nhiễm liên cầu khuẩn

Thứ sáu - 03/03/2017 02:59
 Nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận cấp cho hàng chục học sinh ở xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), trong đó có 2 em tử vong, được xác định là do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.

 

Lấy mẫu máu của học sinh Trường Hạnh Dịch để xét nghiệm sau khi nhiều em bị viêm cầu thận cấp. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Ngày 1/1, Trạm Y tế xã Hạnh Dịch tiếp nhận 2 trường hợp, đều học tại Trường tiểu học-trung học cơ sở Hạnh Dịch, đến khám tại Trạm với triệu chứng phù, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu. Đến ngày 20/1, số ca mắc bệnh ở ngôi trường này đã lên đến 20 em với các triệu chứng tương tự. Sau đó, hai em học sinh là anh em ruột đã tử vong.

Khi sự việc xảy ra, đoàn công tác của Bộ Y tế gồm các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… đã vào xã Hạnh Dịch thực hiện điều tra.

TTXVN cho biết: Qua hồi tra, khám lại, đoàn công tác của Bộ Y tế xác định: Nguyên nhân gây các ca bệnh viêm cầu thận là do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, đúng như Sở Y tế Nghệ An nhận định.

Hai trường hợp tử vong là do bị viêm cầu thận ở thể tiến triển nhanh và gia đình không theo đuổi điều trị đến cùng.

Có 11/20 trường hợp đủ tiêu chuẩn chẩn đoán xác định viêm cầu thận cấp. Ngoài ra, 1 trường hợp mới được phát hiện sau khi ngành y tế tổ chức khám sàng lọc ở Trường Hạnh Dịch.

Kết luận cũng cho thấy,​ chùm ca bệnh ở xã Hạnh Dịch không có hiện tượng bùng phát mạnh, trung bình mỗi tháng có vài trường hợp. Trên thực tế, viêm cầu thận do liên khuẩn không phải bệnh lạ, mà vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương, ở nhiều trẻ bị chốc lở, viêm họng.

Để điều trị và phòng bệnh, hiện ngành y tế Nghệ An đã phối hợp cùng huyện Quế Phong, bộ đội biên phòng tổ chức giám sát, phát hiện bệnh trong cộng đồng; tiếp tục quản lý và điều trị dự phòng cho các trường hợp đã được chẩn đoán, điều trị ổn định và ra viện để tránh tái phát.

Đồng thời tổ chức uống thuốc dự phòng bằng Penicillin V cho toàn thể giáo viên và học sinh của 2 điểm trường có nhiều ca bệnh, người trong gia đình của các bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định và các bệnh nhân nghi ngờ. Tính đến ngày 27/2 đã có 98% người dân ở xã Hạnh Dịch được uống Penicillin V.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh viêm cầu thận hiệu quả, nên để phòng bệnh chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Khi thấy mình và người thân có triệu chứng như viêm họng, nhiễm trùng mủ trên da cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Người dân không nên áp dụng các kinh nghiệm, “mẹo vặt” trong dân gian, hay dùng thuốc nam để chữa viêm cầu thận cấp vì điều đó rất nguy hiểm, khiến bệnh nhẹ có thể diễn biến nặng hơn.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi