Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VGP/Ngọc Khuyến |
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các ban, ngành đã cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc mang tên “công nhận nhãn hiệu nổi tiếng” mà nhiều doanh nghiệp đang trăn trở.
Việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nổi tiếng là nhu cầu, quyền lợi và mong muốn của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời, vẫn chưa có bất cứ nhãn hiệu nào chính thức được công nhận và đưa vào danh mục nhãn hiệu nổi tiếng. Một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trong việc được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng dù thực tế họ đã rất nổi tiếng với người tiêu dùng.
Cụ thể, Vinamilk là nhãn hiệu sữa khá quen thuộc với người Việt Nam nhưng vì một số vướng mắc của Luật Sở hữu trí tuệ nên dù doanh nghiệp này đã có đầy đủ hồ sơ cần thiết nhưng vẫn chưa được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng.
TS. Lê Nam Giang, đại diện theo ủy quyền của Vinamilk chia sẻ: “Vinamilk bây giờ đã đáp ứng đủ các tiêu chí để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng và đang rất mong muốn được công nhận điều mà lẽ ra Vinamilk phải có. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được. Nguyên nhân là do những vướng mắc từ pháp luật. Trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay, chưa có những quy định cụ thể về việc những chủ thể như Vinamilk được chủ động nộp đơn xin công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Mà nếu Vinamilk có yêu cầu được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng thì bản thân Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ lúng túng vì Luật không có một quy trình cụ thể nào để xem xét nhãn hiệu nổi tiếng. Một khó khăn nữa cho cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng là tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ, trong tất cả những tiêu chí được nêu ra, Luật không cho biết tiêu chí nào là bắt buộc, tiêu chí nào không bắt buộc hay có bắt buộc tất cả hay không.”
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, ngoài chất lượng sản phẩm, sự phát triển bền vững và đóng góp cho xã hội, doanh nghiệp còn tốn chi phí lên đến hàng trăm tỉ đồng trong việc quảng cáo, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, vì chưa được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng nên các doanh nghiệp này vẫn chưa được một hành lang bảo hộ rộng rãi, đúng mực và thường xuyên bị nhái thương hiệu.
Có mặt tại hội thảo, ông Phan Minh Nhựt, đại diện theo ủy quyền của hãng Nike tại Việt Nam khá trăn trở khi mỗi năm phát hiện hàng trăm vụ hàng nhái. Tuy nhiên, để chứng minh đó là hàng nhái, thương hiệu này gặp nhiều khó khăn vì thủ tục rườm rà, phức tạp.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Kỷ, Tổng Giám đốc, người sáng lập thương hiệu Vinacafe cho biết, hiện Vinacafe đang hoàn tất hồ sơ khởi kiện 1 công ty phân bón sử dụng tên Vinacafe cho sản phẩm của họ. Tuy nhiên, sẽ có nhiều khó khăn vì tên thương hiệu giống nhau nhưng 2 sản phẩm này thuộc 2 nhóm ngành khác nhau.
“Vinacafe cũng như những doanh nghiệp có mặt tại hội thảo rất mong mỏi được quyền bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Nếu được công nhận rồi thì chúng tôi sẽ có nhiều quyền lợi hơn, cũng sẽ không có trường hợp trùng nhãn hiệu nhưng khác nhóm ngành nghề như vụ việc hiện tại. Lúc đó, tên Vinacafe sẽ được bảo hộ rộng hơn ở các ngành nghề và chúng tôi sẽ vô cùng an tâm”, ông Kỷ chia sẻ.
Cũng theo ông Kỷ, Vinacafe đang gặp khó khăn trong việc được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng vì thủ tục pháp lý. Theo ông, hiện pháp luật chỉ có những khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng, tiêu chí của nhãn hiệu nổi tiếng nhưng chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể nên doanh nghiệp vẫn còn lúng túng.
Các chuyên gia, đại diện các đơn vị có mặt tại hội thảo cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ hiện tại không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết nên cần có sự điều chỉnh trong thời gian tới.
Trước những khó khăn, tồn tại các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gặp phải, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: “Hiện nay, hệ thống Luật Sở hữu trí tuệ đang được chúng tôi rà soát để xem độ vênh giữa quy định quốc gia và những cam kết khi Việt Nam hội nhập với thế giới, mà đặc biệt là TTP. Những ý kiến phù hợp được ghi nhận hôm nay chắc chắn sẽ được đưa vào hệ thống Luật Sở hữu trí tuệ sắp tới đây. Ngay bây giờ còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng ta hy vọng sẽ vượt qua khi sửa đổi Luật. Lúc đó chắc chắn quyền bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng cũng được vận hành”.
Theo ông Lâm, bên cạnh sự bảo vệ của pháp luật, các chủ sở hữu nhãn hiệu cũng cần phải chủ động tự bảo vệ mình như: Giám sát các hoạt động đăng ký để hủy bỏ hiệu lực của các nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã đăng ký; phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ những thông tin chứng minh quyền sở hữu trí tuệ khi cần thiết...
“Đã đến lúc chúng ta phải làm những điều thật sự để thay đổi những quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Cần phải đẩy mạnh hệ thống tư pháp trong hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, đấy là điều hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải nỗ lực nhiều hơn trong việc tự bảo vệ nhãn hiệu của mình. Các cơ quan Nhà nước cũng cần phối hợp với nhau tốt hơn trong việc bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng”, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN nhấn mạnh các vấn đề cốt lõi được đúc kết từ hội thảo.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn