Người thương binh hơn 50 năm sưu tầm tư liệu về Bác

Thứ ba - 23/05/2017 03:39
Chỉ một lần được trông thấy Bác từ xa nhưng với tấm lòng tôn kính và ngưỡng mộ vị lãnh tụ có phong thái giản dị, gần gũi, hàng chục năm qua, người thương binh 4/4 Phạm Ngọc Bỉnh đã dày công tìm kiếm, sưu tầm hàng nghìn bức ảnh, bài báo cùng hàng chục cuốn sách viết về thân thế và sự nghiệp của Người.
 
Ông Phạm Ngọc Bỉnh bên gian trưng bày tư liệu của mình. Ảnh: VGP/Thuỷ Lợi

Một lần được gặp Bác

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Ngọc Bỉnh (sinh năm 1936, trú tại xóm 6, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) để tận mắt xem kho tư liệu có một không hai với hàng nghìn bức ảnh, bài báo và hàng chục cuốn sách viết về thân thế và sự nghiệp của Bác.

Nằm giữa lưng chừng ngọn đồi nơi miền Tây xứ Nghệ, ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ và gọn gàng của người thương binh già cho tôi một cảm nhận về một con người học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Kể về cơ duyên dẫn mình đến với đam mê sưu tập tư liệu về Bác, ông Bỉnh hồi tưởng về những ngày đầu viết đơn xin đi bộ đội của mình. 

Cũng như nhiều thanh niên khác ở giai đoạn đó, trong hoàn cảnh đất nước chiến loạn, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, năm 24 tuổi, ông khăn gói lên đường. Nhập ngũ, ông được phân bổ về Tiểu đoàn 25 công binh thuộc Tỉnh đội Nghệ An, đóng quân ở Nam Đàn. Chính những năm tháng công tác ở đơn vị này, ông và đồng đội may mắn gặp Bác Hồ, rồi cái duyên đưa ông đến với niềm đam mê sưu tầm tư liệu về Bác từ đó.

Nhớ lại ngày được gặp Bác, ông Bỉnh kể: “Hôm đó là một ngày cuối năm 1961. Khi cấp trên thông báo sẽ chọn 10 đồng chí có sức khỏe, phẩm chất chính trị tốt, giỏi chuyên môn để Tiểu đoàn giao cho một nhiệm vụ đặc biệt, cả Đại đội ai cũng hồi hộp vì không biết ai được chọn và chọn để đi làm nhiệm vụ bí mật gì. Lúc biết mình được chọn, ông không khỏi hồi hộp, lo lắng...

Mãi cho đến giờ giao nhiệm vụ, Tiểu đoàn trưởng mới nói: “Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, cấp trên yêu cầu đơn vị chọn 10 cán bộ, chiến sĩ công binh tiến hành rà phá bom mìn, vật liệu nổ tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành và xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Thời gian làm rất gấp, khối lượng công việc nhiều, đề nghị các đồng chí làm việc tích cực, khẩn trương. Đây là vinh dự rất lớn nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề, vì thế chỉ huy đơn vị yêu cầu các đồng chí thực hiện với quyết tâm cao nhất”.

Đến lúc này, khi đã rõ nhiệm vụ, ai nấy đều vô cùng sung sướng và hạnh phúc bởi mong ước được gặp Bác Hồ từ lâu nay sắp thành hiện thực. Và cũng từ điều đó, trong toàn đơn vị dấy lên phong trào thi đua “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm”, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối lúc Bác về thăm quê.

Thời gian Bác về thăm quê chẳng được nhiều nhưng mỗi cử chỉ, lời nói, lời dặn dò, nhắc nhở của Bác đều được anh em trong đơn vị ghi nhớ vào tâm.

Cho đến khi Bác trở lại Thủ đô, sự kiện Người về thăm quê lần thứ 2 được đăng trên báo Quân đội nhân dân, các chiến sĩ trong đơn vị chuyền tay nhau tờ báo. Rồi ngay lúc ấy, không đắn đo, cân nhắc, ông Bỉnh xin lại tờ báo rồi dùng kéo cẩn thận cắt riêng tấm ảnh Bác về thăm quê để làm kỷ niệm. Và cũng từ đó, trong ông dấy lên niềm đam mê sưu tầm các tấm ảnh, bài báo viết về Bác.

Về sau, trong quá trình công tác ở địa phương, hễ nghe ai có hình ảnh, sách, báo viết về Bác là ông lại cất công đến tận nơi xin bằng được, còn nếu không xin được thì ông sao chép lại hoặc mua tài liệu ấy...

Được người thân và bè bạn ủng hộ, việc làm của ông được đồn đi khắp nơi. Chính vì thế, nhiều người hiểu được tấm lòng của ông mà đem gửi tặng các tư liệu. Người ở gần thì tận tay mang đến tặng còn người ở xa thì hỏi địa chỉ rồi gửi qua đường bưu điện.

 

Trong gian trưng bày của ông Bỉnh, có một góc dành cho tư liệu về những vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội... qua các thời kỳ. Ảnh: VGP/Thủy Lợi

 

'Nhớ rằng có Bác, bây giờ có ta'

Hơn nửa cuộc đời miệt mài theo đuổi đam mê, đến nay, ông Bỉnh đã có được gian trưng bày với tư liệu rất phong phú về thân thế, sự nghiệp của Bác. Những tư liệu về Bác được ông phân loại theo từng thời kỳ và được bảo quản trong các khung ảnh và tủ kính theo một trật tự cụ thể và ngăn nắp. Mỗi khung ảnh đều được ông đánh số thứ tự và ghi chú một cách tỉ mỉ, chi tiết…

Bên cạnh những bức ảnh, bài báo viết về Bác, ông Bỉnh còn sưu tầm hàng chục đầu sách viết về Bác theo từng giai đoạn từ thời niên thiếu đến khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, giai đoạn thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến khi Bác làm Chủ tịch nước.

Và như chưa thoả niềm đam mê, ngoài tư liệu về Bác, ông Bỉnh còn sưu tầm tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặc biệt là gian tư liệu về những vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và Quốc hội qua các thời kỳ. 

Mới đây nhất, dựa trên những thông tin, tư liệu có được, ông còn tự mình viết thành sách với hàng chục cuốn về hoạt động của Bác, về quá trình xây dựng Đảng...

Chia sẻ về niềm đam mê của mình, ông cho biết, kể từ ngày ông tiến hành sưu tập cho đến nay đều được vợ và các con ủng hộ.

Khi được hỏi về việc chính quyền địa phương muốn ông chuyển nhượng để đem trưng bày ở khu nhà văn hoá của xã nhưng ông Bỉnh chỉ cười rồi nói: “Việc đem những tư liệu này đi trưng bày ở đâu không quan trọng mà cái chính là phải bảo quản được nó, để không bị thời gian làm hư hỏng. Việc đưa ra ngoài xã là tốt nhưng ở nơi tài sản của tập thể rất khó mà gìn giữ được...".

Ông cũng cho biết từ lâu nay, nhiều người biết tin thường ghé thăm, tìm hiểu "thư viện Bác Hồ" của ông, kể  cả các cháu học sinh trong vùng. Nhiều người cao tuổi thi thoảng lại về nhà ông cùng uống trà, ngâm thơ, kể chuyện về Bác...

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, ông Bỉnh giở cuốn sổ nhỏ ra rồi đọc một bài thơ có tựa đề “Suy ngẫm”, cũng là những dòng tâm tư và lời nhắc nhở, răn dạy con cháu của ông phải biết gìn giữ kho tư liệu quý báu mà ông để lại.

“Còn trời, còn nước, còn non,

Còn Đảng Cộng sản tôi còn đam mê.

Sưu tầm ảnh Bác đem về,

Vào khung cất giữ trọn bề thành tâm.

Đời cha trước, đời con sau,

Muôn đời cháu chắt chung nhau phụng thờ.

Khuyên nhau không được thờ ơ,

Nhớ rằng có Bác, bây giờ có ta”.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi