Người lao động dầu khí đồng cam cộng khổ vượt gian khó

Thứ hai - 06/04/2020 00:41
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với tâm thế luôn vững tin, người lao động ngành dầu khí trên khắp các công trường, công trình biển, nhà máy, xí nghiệp, bằng hành động cụ thể, đã và đang chung tay, góp sức cùng Tập đoàn quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn lịch sử này…

 


Anh Nguyễn Tuấn Nghĩa, Giàn phó Giàn khai thác PQP-HT, Công ty điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC)


Đại dịch COVID-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp trên thế giới. Giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm nghiêm trọng, tạo nên khủng hoảng kép cho ngành dầu khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng thấy, tuy nhiên, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã và đang chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ứng phó, với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho người lao động dầu khí, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Anh Nguyễn Tuấn Nghĩa, Giàn phó Giàn khai thác PQP-HT, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) cho biết: Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, Ban Lãnh đạo công ty đã khẩn trương tiến hành hàng loạt các biện pháp ứng phó và tăng cường phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trong tất cả hoạt động SXKD trên bờ và ngoài biển. Đối với CBCNV làm việc ngoài giàn, trước khi ra biển, tất cả đều phải kê khai lịch trình di chuyển, nơi cư trú để kiểm soát dịch bệnh. Tất cả phải bảo đảm được cách ly tại nhà trước khi đi biển 14 ngày.

“Để hạn chế di chuyển, chúng tôi tăng ca làm việc từ 3 tuần lên 4 tuần và các nhà thầu cũng hạn chế ra giàn nếu không thực sự cấp thiết. Chính vì vậy, có những việc của nhà thầu thì nay các anh em trên giàn phải thay nhau gánh vác. Khối lượng công việc tăng lên đáng kể và luôn phải cẩn trọng trong sinh hoạt, tiếp xúc công việc hàng ngày khiến tâm lý anh em cũng không tránh khỏi xao động”, anh Nghĩa cho biết.

Cố định 2 ngày trong tuần, tất cả CBCNV đều được bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, trên giàn đã được thiết kế bổ sung một số phòng cách ly đề phòng có trường hợp nghi nhiễm, hệ thống thông gió của phòng này được tách rời khỏi hệ thống chung của giàn để bảo đảm an toàn tối đa cho khu vực bên ngoài… Trong trường hợp ngoài giàn có dịch phải khử khuẩn, trong ca có người nghi nhiễm có thể bị cách ly cả ca, Ban Lãnh đạo cũng đã có phương án chia CBNV thành 3 ca để duy trì sản xuất.

“Trong bối cảnh toàn ngành đang chịu tác động kép của đại dịch COVID-19 cùng cú sốc giá dầu sụt giảm, chúng tôi hiểu rõ những khó khăn mà đơn vị mình đang gặp phải. Ban Lãnh đạo công ty đang nỗ lực hết sức để vừa có thể bảo vệ sức khỏe của CBCNV, vừa đồng thời bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, liên tục và hiệu quả, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Chính vì vậy, dù phải tăng thêm thời gian đi ca, kiêm nhiệm thêm nhiều công việc, anh em chúng tôi đều nhất trí, đồng lòng, thậm chí là càng quyết tâm, nỗ lực hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, vận hành giàn hiệu quả, an toàn tuyệt đối, góp sức cùng công ty vượt qua khoảng thời gian khó khăn hiện tại”, anh Nghĩa cho biết.

 


Anh Nguyễn Trường Sơn (bên trái), thợ điện Giàn nén khí trung tâm -Xí nghiệp Khai thác các Công trình khí cùng đồng nghiệp trên Giàn nén khí trung tâm. Ảnh: Vietsovpetro


Anh Nguyễn Trường Sơn, thợ điện giàn nén khí trung tâm, Xí nghiệp Khai thác các công trình khí (Vietsovpetro) chia sẻ: “Những CBCNV đang trực tiếp lao động sản xuất trên công trình biển của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro luôn cảm thấy an tâm và tin tưởng giá dầu sẽ đi lên trong thời gian tới và đại dịch COVID-19 sẽ bị đẩy lùi, kinh tế thế giới sớm hồi phục. Trong lúc này, tôi nghĩ mỗi người lao động như chúng tôi phải nâng cao vai trò trách nhiệm hơn nữa, phát huy sự sáng tạo trong lao động sản xuất để thúc đẩy công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, bình ổn công việc.

Thực hiện nghiêm túc việc cách ly toàn xã hội nên tất cả các chuyến bay của Vietsovpetro đã tạm hoãn qua ngày 15/4, như vậy, ca biển của một số anh em CBCNV chúng tôi phải kéo dài hơn dự kiến (nhiều anh em đã đi đủ 21 ngày, giờ phải kéo dài thêm 15 ngày nữa), song anh em vẫn an tâm công tác, mọi công việc trên giàn nén khí của chúng tôi vẫn tiến hành bình thường để bảo đảm mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kể cả ngày Giỗ tổ”.

 

Anh Trịnh Thanh Hoàng - sĩ quan hàng hải, Phòng Hàng hải, Xí nghiệp Vận tải Biển và Công tác lặn Ảnh: Vietsovpetro


Anh Trịnh Thanh Hoàng, sĩ quan hàng hải, Phòng Hàng hải, Xí nghiệp Vận tải Biển và Công tác lặn (Vietsovpetro) cho biết: “Chúng tôi thấu hiểu giá dầu giảm sẽ là áp lực cho lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho lãnh đạo Vietsovpetro. Nhưng tôi tin cấp trên sẽ tìm ra giải pháp phù hợp và điều chỉnh chiến lược kinh doanh của đơn vị cùng như của ngành mình. Để cùng chung tay đối phó với dịch bệnh COVID-19, CBCNV chúng tôi luôn tuân thủ các yêu cầu về đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế về phòng dịch; tận dụng mọi trang thiết bị sẵn có của đơn vị, nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí sản xuất. Sẵn sàng chia sẻ khó khăn bằng hành động thiết thực, vui vẻ nếu không còn chế độ thưởng, duy trì chế độ làm việc bình thường, sát cánh và cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn”.

 


Anh Lê Văn Nin, thợ lắp ráp Xí nghiệp Xây lắp. Ảnh: Vietsovpetro


Còn anh Lê Văn Nin, thợ lắp ráp, Xí nghiệp Xây lắp (Vietsovpetro) thì bày tỏ: “Đứng trước thách thức và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CBCNV chúng tôi rất bình tĩnh và an tâm tin tưởng với các hành động hiệu quả Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như các giải pháp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Vietsovpetro. Để chung tay với toàn xã hội đẩy lùi dịch bệnh, CBCNV Vietsovpetro chúng tôi luôn động viên nhắc nhở anh em đồng nghiệp nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế, chính quyền địa phương và Vietsovpetro. Kiểm soát lẫn nhau nhau về việc tăng cường các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, luôn sử dụng khẩu trang trong lao động sản xuất, không tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tiếp xúc trên 2 m, tuyên truyền cho thành viên gia đình biết về biện pháp phòng chống dịch. Sẵn sàng tham gia các đội phản ứng nhanh khi được yêu cầu để kịp thời phối hợp với các bên có liên quan khi có CBCNV có những biểu hiện của sự nhiễm bệnh và giữ thông tin thông suốt giữa bờ với biển cùng triển khai các quy định quy chế mới của các ban ngành”.

 


Anh Nguyễn Anh Trực, Trưởng ca xưởng phụ trợ, Nhà máy Đạm Cà Mau, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau


Anh Nguyễn Anh Trực, Trưởng ca xưởng phụ trợ, Nhà máy Đạm Cà Mau, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết: “Đạm Cà Mau là đơn vị sản xuất, nhà máy vẫn hoạt động 24/24, hằng ngày chúng tôi vẫn phải làm việc cùng các đối tác nước ngoài, các khách hàng nên rủi ro về dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Ban Lãnh đạo công ty và nhà máy đã sớm nhận ra những nguy cơ này và đã có những biện pháp ứng phó chống dịch rất kịp thời.

Chúng tôi bắt buộc phải đeo khẩu trang 100% khi làm việc, được đo thân nhiệt thường xuyên. Các anh em làm việc ở nhà máy được sắp xếp đi trên xe công vụ không quá 20 người/xe 45 chỗ; các cụm, khối, phòng, ban đều được sắp xếp đi riêng từng xe để hạn chế lây chéo. Giờ ăn trưa cũng được sắp xếp lại hợp lý để một bàn ăn ngồi tối đa 2 người, ngồi giãn cách… Tùy vị trí công việc mà có thể làm việc online tại nhà, họp online để hạn chế tối đa tiếp xúc… Tuy nhiên, các vị trí phải trực ca ở nhà máy thì vẫn theo lịch làm việc như bình thường, kể cả ngày nghỉ hay Tết, lễ, Giỗ tổ, cách ly toàn xã hội. Hằng ngày, chúng tôi được chia thành 2 ca ngày và đêm, gồm 4 kíp; cứ 2 kíp trực thì 2 kíp nghỉ, thay phiên nhau làm 2 ngày nghỉ 2 ngày.

Với tất cả các biện pháp tăng cường phòng chống dịch như vậy, công ty chắc chắn phải tăng thêm một khoản chi phí, trong khi tình hình giá dầu giảm sâu như hiện tại và sự lây lan của dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng bản thân tôi rất cảm kích trước tình cảm và sự quyết liệt của Ban Lãnh đạo công ty, nhà máy và biết rõ mình phải làm thật tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm cùng toàn thể CBCNV công ty đồng hành cùng Ban Lãnh đạo vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.

 


Ban Vận hành sản xuất, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất-BSR


Kỹ sư Đỗ Hồng Quang, Ban Vận hành sản xuất, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất-BSR chia sẻ: “Dù bị ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của dịch bệnh và giá dầu giảm sâu nhưng ngành dầu khí nói chung và BSR nói riêng đã và đang thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Hằng ngày, mỗi cá nhân chúng tôi đều cố gắng tìm những sáng kiến, ý tưởng mới để tìm cách tối ưu vận hành, sản xuất nhằm tiết giảm chi phí. Thực tế cho thấy, mỗi ngày chúng tôi luôn tối ưu các thông số vận hành thiết bị, phân xưởng để có thể giảm thiểu được lượng năng lượng tiêu thụ, duy trì độ tin cậy của thiết bị, an toàn và ổn định cho nhà máy. Năm 2020 cũng là thời điểm BSR chuẩn bị bảo dưỡng tổng thể nhà máy, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nên nhiều kịch bản được đưa ra để giải quyết khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Ban Lãnh đạo công ty đã đánh giá cụ thể chi tiết, tạo tiền đề cho việc tối ưu thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy sau này. Chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều giải pháp vận hành nhà máy với công suất khác nhau để duy trì ổn định và hiệu quả khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu giảm do dịch bệnh.

Ngành dầu khí nói chung và BSR nói riêng cũng đang trải qua giai đoạn gian khó nhất. Tuy nhiên, tôi tin những người lao động trong ngành sẽ đồng cam cộng khổ, đồng lòng vượt qua thử thách này để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, và Nhà nước giao phó. Đó cũng chính là bản lĩnh, là niềm tự hào truyền thống của ngành dầu khí nói chung và BSR nói riêng”.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi