Nghĩ từ những lời xin lỗi của cán bộ

Chủ nhật - 11/06/2017 23:58
Công việc của cán bộ nhà nước ngày càng khó khăn và phức tạp hơn, áp lực vì thế cũng nhiều hơn, những đòi hỏi từ người dân cũng sẽ ngày càng nhiều hơn...
 
Trong ảnh, nhân viên Cục Thuế TPHCM hướng dẫn người dân cách kê khai thuế qua mạng.
 Ảnh mang tính chất minh họa (Nguồn: TTO)

Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có rất nhiều vụ việc khiến những người nắm giữ các chức vụ trong các cơ quan hành chính phải xin lỗi, thu hồi quyết định, nhận trách nhiệm...

Cách đây vài ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu thu hồi quyết định sai luật vì đã nêu tên, địa chỉ người tố cáo ông Phan Văn Thương và ông Đặng Văn Nang (Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP Cao Lãnh).

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng thừa nhận đây là sơ suất của cơ quan tham mưu chứ không có ác ý gì đối với công dân tố cáo và UBND tỉnh Đồng Tháp đã phải tiến hành thủ tục hủy quyết định trái pháp luật này để ban hành quyết định mới. 

Được dư luận chú ý hơn là vụ việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) hơn một lần phải xin lỗi công luận nhận trách nhiệm vì những quyết định cấp phép hay những động thái được hiểu là cấp phép các ca khúc từ lâu đã được phổ biến trong công chúng. Cuối cùng, trước sức ép của dư luận và yêu cầu trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng đã phải thôi giữ chức vụ này.

Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã có buổi đối thoại với các hộ dân xã Bình Đông, huyện Bình Sơn liên quan đến việc Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất gây ô nhiễm. Ông Căng đã xin lỗi bà con nhân dân thôn Tân Hy, Sơn Trà vì để xảy ra tình trạng này kéo dài nhiều năm qua.

Theo nguyên tắc của luật pháp, một văn bản do cơ quan hành chính ban hành sai về hình thức (trái trình tự, thủ tục) hoặc sai về nội dung (trái thẩm quyền, lạm quyền) thì cơ quan ban hành văn bản đó hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp phải ra quyết định thu hồi.

Trong cuộc sống hàng ngày, cơ quan hành chính các cấp ở Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố phải ban hành rất nhiều quyết định hành chính (và những văn bản không mang tên gọi là quyết định hành chính) và thực hiện những hành vi hành chính. Tỷ lệ sai sót đương nhiên là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên trong nhiều năm trước, cùng với sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật, trình độ của cơ quan tham mưu, ban hành cũng như ý thức pháp luật của người dân chưa được nâng cao. Chính vì vậy vẫn có một tỷ lệ nhất định những quyết định hành chính, hành vi hành chính tuy có sai sót nhưng việc phát hiện và có ý kiến phản biện với cơ quan hành chính mới chỉ bó hẹp chủ yếu trong giới những chuyên gia về luật pháp.

Trong những năm gần đây, các văn bản pháp luật dần được hoàn thiện, các hoạt động của các cơ quan chức năng ngày càng minh bạch, rõ ràng, ý thức pháp luật của người dân đã được nâng cao đáng kể. Chính phủ cũng đã lấy ngày 9/11 hằng năm làm Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Nhờ đó, các văn bản, quyết định hành chính của cơ quan hành chính ngay sau khi được ban hành đã được các cơ quan liên quan cũng như dư luận xã hội “thẩm định” đầy đủ và những sai sót nhanh chóng được phát hiện.

Vừa qua, tại buổi lễ ra mắt “Cẩm nang hướng dẫn thực hành quyền tiếp cận thông tin” diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) đã phát biểu: “Dân trí ngày càng cao sẽ khiến công việc của cán bộ nhà nước ngày càng khó khăn và phức tạp hơn, áp lực vì thế cũng nhiều hơn. Những đòi hỏi từ người dân cũng sẽ ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi cơ quan nhà nước phải có cơ chế đáp ứng sao cho phù hợp. Điều này cũng góp phần thay đổi và chấn chỉnh lại thái độ, tác phong làm việc của các cán bộ nhà nước đối với người dân theo hướng tích cực.”

Đây có lẽ là những chia sẽ rất thẳng thắn và nó cũng khái quát khá đầy đủ xu hướng hiện nay: dân trí càng nâng cao, người cán bộ cũng phải nỗ lực không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, chấn chỉnh tác phong để đảm nhận công vụ tốt hơn, đáp ứng được đòi hỏi của người dân, xã hội.

Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, trách nhiệm, có đủ năng lực, trình độ, vì dân. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng đã nhấn mạnh, cán bộ phải giỏi, có đạo đức, có tâm phục vụ nhân dân và phải luôn nhớ "3 xin" là "xin chào, xin cảm ơn và xin lỗi", “cải cách nhiều nhưng cán bộ vẫn là vấn đề quyết định”.

Sau những vụ việc vừa qua, những người có sai sót sẽ phải kiểm điểm, chấn chỉnh, chịu trách nhiệm về những sai sót của mình. Tuy nhiên, về lâu dài, có lẽ đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho cả nhà nước và người dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, người dân có quyền giám sát, phản biện và cũng có nghĩa vụ tham gia thực hiện pháp luật. Ở chiều ngược lại, cán bộ nhà nước không ngừng đổi mới lề lối làm việc và triệt để thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật chỉ làm những gì mà luật pháp cho phép...

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi