Tầm vóc của Nghị quyết thể hiện ở việc lần đầu tiên xác lập vị thế chiến lược của kinh tế tư nhân từ vị trí là “một động lực quan trọng” trở thành “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Sự thay đổi mang tính đột phá về tư duy này không chỉ là sự tiếp nối tư tưởng từ Nghị quyết 10 năm 2017, mà còn thể hiện sự táo bạo, tin tưởng giao trọng trách cho khu vực kinh tế tư nhân, coi khu vực này ngang hàng với kinh tế nhà nước (thường được nhấn mạnh là “chủ đạo”) và kinh tế tập thể. Với quan điểm cởi mở, Nghị quyết 68 xóa bỏ những định kiến, rào cản về kinh tế tư nhân, nhất là quan điểm cho rằng kinh tế tư nhân đối lập với kinh tế nhà nước hay chủ nghĩa xã hội. Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ, thay vì can thiệp hành chính quá sâu. Việc Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết cho thấy sự cam kết ở cấp cao nhất. Với yêu cầu phát triển đất nước, việc hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế không chỉ là cần thiết, mà là nhiệm vụ “cấp thiết và cấp bách”.
Theo thống kê, tính đến đầu năm 2025, cả nước có trên 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực này đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 82% lực lượng lao động cả nước. Điều này cho thấy với tiềm lực to lớn, kinh tế tư nhân giữ vai trò động chính thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo sinh kế cho đa số người dân, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống xã hội. Vì vậy, với tầm nhìn chiến lược, việc Trung ương ban hành Nghị quyết này cũng thể hiện sự ghi nhận, niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời đặt ra mục tiêu rất cao cho kinh tế tư nhân trong vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: Kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tốc độ tăng trưởng khu vực tư nhân đạt bình quân 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP chung của cả nước. Đóng góp vào GDP khoảng 55-58%, vào ngân sách nhà nước khoảng 35-40%, và tạo việc làm cho khoảng 84-85% lực lượng lao động. Năng suất lao động khu vực tư nhân tăng bình quân 8,5-9,5%/năm. Quy mô doanh nghiệp tăng mạnh: Cả nước có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động (tương đương 20 doanh nghiệp/1.000 dân). Hình thành ít nhất 20 doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thương hiệu tầm khu vực và quốc tế. Năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của khu vực tư nhân thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 5 nước hàng đầu châu Á. Đến năm 2045, khu vực tư nhân được định hướng sẽ phát triển nhanh, mạnh, bền vững, có năng lực cạnh tranh cao trên phạm vi khu vực và quốc tế. Việt Nam có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP quốc gia.
![]() |
Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Ảnh minh họa: thoibaotaichinhvietnam.vn |
Nghị quyết cũng đề ra những nhóm giải pháp căn cơ, nhất là về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách mối quan hệ kinh tế, giúp doanh nghiệp lớn mạnh. Theo đó, trong năm 2025 cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh. Nền hành chính công vụ chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Một điểm cực kỳ quan trọng mà lâu nay các doanh nghiệp lo lắng là những rủi ro về mặt pháp lý, nhất là nguy cơ bị hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, đã được Nghị quyết 68 lần này quy định cụ thể theo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự. Theo đó, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Đây là bước tiến lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự khắc phục sai phạm, có cơ hội làm lại và tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Trong xử lý vi phạm, Nghị quyết cũng yêu cầu phân biệt rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân, giúp tránh được tổn thất lan rộng không cần thiết. Theo đó, bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án. Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp của cá nhân những người quản lý trong doanh nghiệp. Cho phép sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Đường lớn đã mở. Vấn đề đặt ra lúc này là đưa những chủ trương chiến lược đó nhanh chóng đi vào cuộc sống. Để làm được điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các chủ thể, đồng bộ trên các mặt, từ hoàn thiện thể chế, chính sách thuận lợi, minh bạch, đến thay đổi cách thức phục vụ, cung cấp vốn, công nghệ cho doanh nghiệp.... Nhưng trước hết, cộng đồng doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội, nắm bắt thời cơ, dám nghĩ lớn, dám làm lớn để vươn tầm khu vực và thế giới, làm giàu cho mình và đóng góp xây dựng đất nước.
Nguồn tin: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn