Việc áp thuế với mặt hàng trứng artemia khiến nhiều doanh nghiệp nuôi tôm lo lắng. |
Thế nhưng mới đây, thay vì được xếp vào nhóm “thức ăn nuôi tôm” với thuế suất nhập khẩu là 0%, các loại artemia lại được cơ quan hải quan đưa vào nhóm “sản phẩm từ động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác” và áp mức thuế nhập khẩu là 5%, đồng thời truy thu cho cả các lô hàng nhập khẩu từ năm 2016 trở về trước.
Trước phản ứng của cộng đồng DN, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 98/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/8/2016. Theo đó, mặt hàng trứng artemia dùng làm thức ăn thủy sản tuy không phải chịu mức thuế 5%, nhưng vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 3%.
Bỗng dưng bị truy thu hàng tỷ đồng
Chuyên sản xuất tôm giống, tôm thịt và chế biến tôm xuất khẩu, ông Trương Hữu Thông, Giám đốc Công ty Thông Thuận tại Ninh Thuận chia sẻ Việt Nam nhập trung bình khoảng 160 tấn trứng artemia mỗi năm.
Khi khai mã hàng nhập khẩu về Việt Nam, Công ty đã nghiên cứu các mã hàng tương ứng được quy định trong danh mục hàng hóa nhập khẩu. Sau đó đã được phía hải quan kiểm tra, giám sát, đồng ý xác nhận cho thông quan trên tờ khai hải quan đối với các lô hàng nhập khẩu từ năm 2011 đến nay.
Nếu hải quan áp mức thuế suất 5%, DN sẽ bị truy thu số tiền thuế rất lớn, khoảng 5 tỷ đồng.
Thông Thuận cũng như nhiều DN khác đều căn cứ vào mức thuế suất 0% để tính toán giá thành và xác định giá bán tôm giống cho nông dân. Nếu ngành hải quan áp mặt hàng này với thuế suất 5%, đương nhiên giá bán tôm giống sẽ phải tăng hơn so với giá hiện tại, làm tăng chi phí sản xuất của nông dân – ông Thuận lo ngại.
Trong kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, tập thể các nhà sản xuất tôm giống cho biết họ bất bình về việc truy thu thuế nhập khẩu đối với artemia. Việc áp thuế sẽ dẫn đến tình trạng buộc DN phải cắt giảm artemia có chất lượng tốt, thay vào đó là sử dụng thức ăn thông thường có giá 200.000-300.000 đồng/kg (rẻ hơn 90%).
Như vậy, chất lượng tôm giống sẽ suy giảm và hậu quả là tôm thương phẩm phải bị nhiều bệnh tật do con giống kém chất lượng. Khi giống kém chất lượng, người nuôi thương phẩm (khách hàng của trại giống) phải sử dụng nhiều kháng sinh để ngăn ngừa bệnh tật, dẫn tới nguy cơ suy thoái môi trường vùng nuôi.
Theo tính toán, việc tăng thuế từ 0% lên 5% sẽ làm giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng tăng từ 10-15%, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam.
Bộ NNPTNT lên tiếng
Liên quan đến những bức xúc của DN, Bộ NNPTNT, VASEP, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính đề nghị áp thuế nhập khẩu 0% đối với trứng artemia. Mới đây, Hiệp hội Tôm Bình Thuận có thêm văn bản đề nghị Bộ Tài chính dừng Thông tư 98 để cùng đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Đại diện Bộ NNPTNT cho rằng, việc giảm thu ngân sách 21 tỷ đồng khi điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng trứng artemia từ 5% xuống 0% có sức ảnh hưởng không lớn so với một ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu vài tỷ USD/năm.
Trong khi đó, nếu áp thuế 0% thì sẽ có tác động rất tích cực cho sự phát triển chung của ngành tôm như: Tăng thu nhập cho người nuôi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm (giá giống có thể giảm từ 10-15%), thúc đẩy gia tăng, củng cố chất lượng artemia trong nước nhờ sự cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, chất lượng, số lượng con giống cũng được nâng cao…
Các quốc gia có ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển đều áp thuế suất nhập khẩu sản phẩm này với mức thấp (Malaysia 0%, Hoa Kỳ 0-0,8%, Úc 0-2,5%...) nhằm hỗ trợ việc phát triển tôm giống chất lượng cao, hạn chế dịch bệnh trên tôm thịt.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng trứng Artemia xuống còn 0% sẽ tạo cơ hội cho các DN, cơ sở sản xuất giống nhỏ tiếp cận, chủ động nhập khẩu trực tiếp theo nhu cầu mà không cần qua trung gian là các công ty lớn, có tiềm lực kinh tế. Từ đó sẽ giảm giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng con giống ổn định, giúp cộng đồng DN nâng cao được sức cạnh tranh.
Còn theo lập luận của VASEP, khi thức ăn dùng cho tôm được hưởng thuế suất bằng 0%, thì trứng artemia cũng phải là đối tượng được hưởng ưu đãi, có chung một mã hàng hóa với thức ăn dùng cho tôm, áp thuế suất bằng 0%.
Tuy nhiên, mặc cho các DN, hiệp hội ngành hàng và Bộ NNPTNT đã có văn bản đề xuất, nhưng Bộ Tài chính vẫn bỏ qua các ý kiến đóng góp và áp thuế đối với thức ăn tôm giống artemia nhập khẩu ở mức 3%. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8 tới.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn