Ngành thuế phấn đấu thu vượt dự toán, giảm tối đa nợ đọng thuế

Thứ tư - 31/01/2018 22:05
Dự toán thu NSNN năm 2018 của cơ quan thuế là 1.070.200 tỷ đồng. Toàn ngành tập trung, phấn đấu hoàn thành vượt tối thiểu 3% dự toán và tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu ngân sách năm 2018.

 

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Thuế năm 2018.VGP/Huy Thắng

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2018, lãnh đạo ngành Thuế đã đặt ra các mục tiêu để toàn ngành nỗ lực triển khai.

 

Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 của cơ quan thuế được giao là 968.580 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 38.300 tỷ, thu nội địa trừ dầu là 930.280 tỷ đồng. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ Tài chính; sự ủng hộ của cấp uỷ và chính quyền địa phương; sự phát triển sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh; cùng với những nỗ lực nêu trên của tập thể lãnh đạo và công chức thuế trong cả nước, kết quả thu ngân sách năm 2017 của Tổng cục Thuế ước đạt 1.019.041 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 11,5% so với năm 2016.
Đây là năm đầu tiên số thu do cơ quan thuế quản lý vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, xác lập đỉnh cao mới trong công tác huy động nguồn lực nội địa, góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Ngành thuế đã triển khai chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp trong phạm vi toàn quốc với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận các kênh thông tin hỗ trợ của cơ quan thuế. Từ đó hoàn thành các thủ tục hành chính ban đầu 1 cách nhanh nhất, thuận lợi nhất, tiết kiệm nhất, tạo nền tảng để các doanh nghiệp an tâm phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Năm 2017, cơ quan thuế tiếp tục duy trì tốt dịch vụ kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong dịch vụ hoàn thuế điện tử, nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà và nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua các tổ chức ủy nhiệm thu... đặt nền móng khởi đầu cho việc thúc đẩy giao dịch điện tử đến từng cá nhân nộp thuế.

Đến nay đã có 127 dịch vụ công trực tuyến liên quan đến người dân, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của cơ quan thuế được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4.

Ngành thuế cũng mở rộng khai thuế và nộp thuế điện tử với 99,71% số doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 45,6 triệu hồ sơ; số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là đạt 97,57% số doanh nghiệp. Đã triển khai cung cấp dịch vụ hoàn thuế điện tử cho tất cả người nộp thuế tại 63 tỉnh, thành phố. Tiếp tục hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp triển khai tại 2 Cục Thuế TP. Hà Nội, TPHCM trong việc đăng ký và xuất hóa đơn điện tử có xác thực. Tiếp tục triển khai thí điểm khai và nộp thuế điện tử đối với cá nhân hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chuẩn bị các cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật CNTT để triển khai thí điểm khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy. Tiếp tục triển khai thí điểm, dần dần mở rộng thực hiện nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu thuế.

Trong năm 2017, cơ quan thuế các cấp tiếp tục duy trì thời gian nộp thuế là 117 giờ /1 năm và theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận Chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam tăng 81 bậc, từ xếp hạng vị trí 167 lên xếp hạng vị trí 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm

Về các biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2018, Tổng cục Thuế xác định 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, dự toán thu NSNN năm 2018 của cơ quan thuế là 1.070.200 tỷ đồng. Toàn ngành sẽ tập trung, phấn đấu hoàn thành vượt tối thiểu 3% dự toán và tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu ngân sách năm 2018.

Thứ hai, toàn ngành sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Thứ ba là ngành thuế sẽ đẩy mạnh tiến trình thực hiện kế hoạch cải cách hệ thống thuế, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế và sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ, duy trì và phấn đấu nâng cao thứ hạng nộp thuế của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới.

Thứ tư là ngành thuế sẽ tiếp tục thực hiện tốt chương trình phòng và chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tăng cường công tác quản lý nội ngành, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo động lực và áp lực, chuyển biến thái độ xử lý gắn với trách nhiệm chính trị trong thực thi công vụ.

Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu phấn đấu cho các Cục Thuế. Các Cục Thuế giao tiếp cho các phòng, các Chi cục Thuế đảm bảo vượt tối thiểu 3% dự toán pháp lệnh. Đồng thời, lãnh đạo ngành Thuế sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách. Chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, kiến nghị với UBND các giải pháp để đôn đốc thu kịp thời; tham mưu về cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính (thuộc thẩm quyền ban hành của UBND) nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế ngay từ đầu năm, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Ngành thuế sẽ thực hiện tốt công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Chú trọng việc quản lý rủi ro trong phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 trên cơ sở phân tích rủi ro và giao kế hoạch cho các Cục Thuế đảm bảo tỷ lệ thanh tra, kiểm tra tối thiểu đạt 18,5% số doanh nghiệp đang quản lý trong toàn ngành, bảo đảm 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy trình, cập nhật kịp thời tiến độ thực hiện công tác thanh tra kiểm tra vào ứng dụng TTR.

Toàn ngành tập trung các giải pháp đôn đốc nợ thuế đảm bảo số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018; Xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh và nợ chờ xử lý tại thời điểm 31/12/2017; kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế.

Bên cạnh đó,  ngành thuế sẽ hỗ trợ người nộp thuế cần chú trọng đến hiệu quả, chất lượng để phục vụ người nộp thuế một cách tốt nhất; tuyên dương kịp thời thành tích của các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế; tiếp tục triển khai Đề án “Dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung tại Tổng cục Thuế”; Đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động hỗ trợ người nộp thuế thuế, đẩy mạnh việc phát triển hệ thống đại lý thuế.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Thư viện ảnh

Image cannot be loaded
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi