Thiệt hại nặng nề
6 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát đã gần như làm tê liệt các hoạt động du lịch, thị trường khách quốc tế đóng băng, khách nội địa cũng chỉ đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 15,8 triệu khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm đạt 134.000 tỷ đồng, giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều kế hoạch, sự kiện xúc tiến quảng bá điểm đến của các địa phương buộc phải tạm hoãn, chuyển thời gian tổ chức; hoạt động du lịch nội địa tại nhiều tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm lâm cảnh cầm chừng, doanh thu tiếp tục sụt giảm mạnh…
![]() |
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang đề xuất thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine đến đảo Phú Quốc |
Không giống như các đợt bùng phát trước đây, làn sóng thứ tư hiện đang là đợt dịch lớn nhất và phức tạp nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam (CAA) số chuyến bay phục vụ trong tháng 6 giảm 74% so với cùng kỳ và 76% so với tháng trước. Công ty Dữ liệu hàng không OAG ghi nhận Việt Nam cũng là quốc gia có mức sụt giảm công suất phục vụ lớn nhất trong nhóm 20 thị trường hàng đầu trong tuần đầu tiên của tháng 6, sau khi TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Theo Savills Hotels APAC, ngành khách sạn đã chứng kiến sự hồi phục khá tốt trong tháng 4/2021 khi công suất phòng trung bình trên cả nước đạt 31%, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam (vào tháng 3/2020). Tuy nhiên, làn sóng thứ tư đã lập tức gây sụt giảm mạnh công suất phòng về mức 10% trong tháng 6 năm nay. Các khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong đợt dịch lần này, chỉ một số ít khách sạn có thể đạt công suất thuê ở mức hai con số trong tháng 6. Còn theo báo cáo từ các doanh nghiệp và địa phương, tính đến nay, khoảng 20% cơ sở lưu trú trên cả nước đã phải đóng cửa, gần 35% cơ sở lưu trú đang hoạt động cầm chừng; doanh thu của các điểm tham quan, vui chơi giải trí giảm khoảng 60%.
Nhằm từng bước phục hồi thị trường du lịch quốc tế đến Việt Nam, khôi phục ngành du lịch; quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Tổng cục Du lịch đã đề ra 15 nhiệm vụ và nhóm nhiệm vụ cụ thể cùng các giải pháp. Trong đó tập trung vào nhóm xây dựng văn bản, đề án quản lý nhà nước; sẵn sàng các phương án mở lại thị trường quốc tế; hỗ trợ địa phương phục hồi và phát triển du lịch; phát triển du lịch thông minh và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; công tác quy hoạch du lịch; cơ cấu lại thị trường du lịch…
Tổng cục Du lịch cũng đã chính thức đưa vào hoạt động “Trang vàng du lịch Việt Nam” từ ngày 9/7, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng. Đây là không gian giao lưu mở, chính thống, giúp du khách tiếp cận những thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao với giá cả được niêm yết công khai, có chấp nhận thanh toán điện tử…
Thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang đề xuất thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine đến đảo Phú Quốc từ tháng 10/2021, kéo dài 6 tháng. Theo đó, giai đoạn đầu (ba tháng), Phú Quốc thí điểm đón 2.000-3.000 khách mỗi tháng, thông qua chuyến bay thuê bao; phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn hai (ba tháng), quy mô sẽ mở rộng từ 5.000 - 10.000 khách mỗi tháng; có thể đón khách qua chuyến bay thương mại; mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách. Khách quốc tế muốn đến Phú Quốc phải có chứng nhận đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 và được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi hai ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Khách có chứng nhận đã khỏi Covid-19 thời gian xuất viện không quá 12 tháng, cũng được phép nhập cảnh. Tất cả khách du lịch trước khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính, bằng phương pháp PCR.
Việt Nam dự kiến đón khách từ thị trường có tiềm năng, độ an toàn cao về dịch bệnh ở các khu vực như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông... Tất cả khách nhập cảnh bằng đường không. Sau khi nhập cảnh tại sân bay Phú Quốc, khách được đưa đến cơ sở lưu trú, tham quan; tham gia dịch vụ, chương trình du lịch trọn gói tại các địa điểm đã lựa chọn. Để đảm bảo an toàn khi thí điểm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất tiêm chủng cho ít nhất 70% dân cư và người lao động tại thành phố Phú Quốc, từ tháng 7 đến tháng 9/2021. Bộ Y tế được đề nghị cung cấp vaccine; quy định chứng chỉ tiêm chủng; quy trình lấy mẫu xét nghiệm cho khách; hướng dẫn cách ly y tế, phòng chống dịch.
Với đề xuất thí điểm mở cửa cho du khách quốc tế đến đảo Phú Quốc, theo ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels APAC, đây là một đề xuất phù hợp và cần thiết nhằm hỗ trợ quá trình khôi phục của ngành du lịch Việt Nam. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng tái khởi động sau hơn một năm ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Tuy nhiên, ngành du lịch và các cơ quan hữu quan cần tiến hành đánh giá thêm một số yếu tố và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi triển khai việc thí điểm mở cửa đón khách quốc tế.
Mặt khác, ông Mauro Gasparotti cho rằng, liệu đề xuất này sẽ chỉ hướng đến đối tượng du lịch nghỉ dưỡng hay có thể hỗ trợ các nhóm khách khác như người Việt Nam và chuyên gia nước ngoài tái nhập cảnh trở lại Việt Nam thông qua điểm “quá cảnh” là Phú Quốc. Vì trên thực tế, những nhóm khách này có nhu cầu đi nước ngoài nhưng lại e ngại yêu cầu về mặt cách ly khi quay trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá liệu việc triển khai chính sách này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động du lịch nội địa khi mà khách Việt Nam, đặc biệt là những du khách chưa được tiêm chủng vaccine có thể e dè khi lựa chọn Phú Quốc là điểm đến”.
Đến nay, với các chiến dịch đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine, nhiều quốc gia đã và đang nới lỏng các biện pháp hạn chế để hỗ trợ quá trình khôi phục của ngành du lịch. Mùa hè năm nay, các quốc gia châu Âu là một trong những nơi sớm nhất mở cửa lại biên giới cho khách du lịch sau hơn một năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Tùy vào tình hình, mỗi điểm đến sẽ đưa ra các yêu cầu khác nhau đối với du khách, hoặc chỉ mở cửa đối với du khách đến từ một số quốc gia cụ thể.
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines đã bắt đầu rút ngắn thời gian cách ly xuống chỉ còn 7-10 ngày đối với những du khách đã được tiêm chủng và đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh. Từ ngày 1/7/2021, Chính phủ Thái Lan bắt đầu thí điểm cho khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ (từ các quốc gia có nguy cơ thấp và trung bình) đến Phuket mà không cần phải cách ly. Sau 2 tuần lưu trú tại Phuket và đạt một số điều kiện nhất định, những du khách quốc tế này có thể tự do di chuyển đến các địa phương khác trong Thái Lan. Sau một tuần thực hiện chương trình này, Phuket đã đón hơn 2.100 du khách nước ngoài. Chính quyền địa phương kỳ vọng sẽ tiếp nhận 100.000 lượt khách quốc tế trong quý ba từ mô hình “Phuket Sandbox” này. Nếu được áp dụng thành công, chương trình sẽ được Thái Lan triển khai đến nhiều điểm du lịch quan trọng khác trong những tháng sắp tới.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn