Ngành du lịch APEC: Tìm kiếm sự phát triển bền vững

Thứ hai - 27/02/2017 01:18
 Đi cùng với sự tăng trưởng, du lịch APEC được dự đoán cũng sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực tới môi trường, khí hậu toàn cầu. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu kỳ vọng sáng kiến của Việt Nam góp phần tìm tiếng nói chung hướng đến phát triển du lịch bền vững trong cộng đồng các nền kinh tế APEC. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh
Ngày 23/2, tại Nha Trang đã diễn ra cuộc họp của Nhóm công tác Du lịch APEC (TWG) và Hội thảo về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan diễn ra từ ngày 18/2-3/3.

Du lịch vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của biến đối khí hậu

Trong những năm gần đây, hợp tác du lịch trong các nền kinh tế APEC luôn được quan tâm đặc biệt. Hình ảnh du lịch APEC không ngừng được củng cố. APEC trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực.

Theo thống kê, năm 2015, du lịch APEC đón được trên 396 triệu lượt khách, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp.

Du lịch APEC đang trên đà tăng trưởng bền vững, bao trùm, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, ngành du lịch đã góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, sự thịnh vượng chung và kết nối trong khu vực.

Các Bộ trưởng du lịch APEC đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 800 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch trong khu vực APEC.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch APEC cũng gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là thách thức do thiên nhiên mang lại. Biến đổi khí hậu là vấn đề mà toàn cầu đang phải đối mặt và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Những biểu hiện của biến đổi khí hậu như sự nóng lên của Trái đất, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết bất thường như bão, lũ, sóng thần, động đất, hạn hán… đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống kinh tế, xã hội của con người.

Sự phát triển du lịch gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu. Du lịch đóng 5% lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển du lịch và lưu trú (UNWTO, 2013). Bên cạnh đó, sự tác động của du lịch gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm tự nhiên… Một số hoạt động du lịch không được quy hoạch tốt có thể ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học và môi trường thiên nhiên hoang dã.

Tuy nhiên, du lịch lại là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên, khí hậu. Khí hậu biến đổi ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành.

Một số hiện tượng thời tiết cực đoan, khó dự báo khiến các chương trình du lịch bị hủy bỏ, tạo tâm lý e ngại cho khách du lịch; nước biển dâng, sạt lở đất ảnh hưởng lớn tới các khu du lịch ven biển.

Đưa ra ví dụ về tác động của biến đổi khí hậu đến du lịch tại Việt Nam, ông Climate Sense, chuyên gia về biến đổi khí hậu nhấn mạnh, nhiều địa phương tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những tác động ngày càng xấu này, như tình trạng sạt lở bãi biển tại Hội An (Quảng Nam), triều cường ở TP. Hồ Chí Minh, ô nhiễm môi trường tại Hà Nội…

Do đó, du khách nói riêng và ngành du lịch nói chung phải có sự chuẩn bị và kế hoạch dự phòng trước những biến động bất thường của thời tiết, đặc biệt là tình trạng bão, lũ ở khu vực miền Trung. Đây là một thách thức lớn đối với ngành du lịch Việt Nam khi tác động của thời tiết ảnh hưởng xấu và ngày càng ảnh hưởng mạnh hơn đến sự phát triển của ngành.

Mặt khác, đi cùng với sự tăng trưởng, du lịch APEC được dự đoán cũng sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực tới môi trường, khí hậu toàn cầu. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC.

Sáng kiến của Việt Nam hướng đến nền du lịch bền vững

Tính bền vững là định hướng, mục tiêu của phát triển du lịch. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch bền vững xét theo 3 nhóm tiêu chí trụ cột: Bền vững về môi trường, bền vững về văn hóa-xã hội và bền vững về kinh tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện cho 21 nền kinh tế APEC cùng bàn về tính dễ tổn thương của du lịch và biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của du lịch đến biến đổi khí hậu và ngược lại. Đồng thời, tìm tiếng nói chung trong định hướng chính sách về phát triển du lịch APEC bền vững gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn sự tham gia và đối thoại giữa các bên liên quan trong phát  triển du lịch biển APEC.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, thể hiện sự chủ động của du lịch APEC trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tại Hạ Long, tháng 6/2017 và được các nền kinh tế APEC ủng hộ cao.

Trong Hội nghị này, các Bộ trưởng chuyên trách du lịch sẽ bàn về khung chính sách và hướng dẫn để các nền kinh tế APEC cùng hướng tới phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến ngành.

Các văn kiện này sẽ tiếp tục được trình lên Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.

Ông Hà Văn Siêu kỳ vọng, sáng kiến tại Việt Nam sẽ góp phần hình thành định hướng, mục tiêu của phát triển du lịch trong giai đoạn mới, giai đoạn chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Mặc dù không thể lường trước được hết những dị thường do thời tiết đem đến, nhưng các chính sách sẽ kêu gọi các bên liên cao nâng cao nhận thức và sẵn sàng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự kiến, Nhóm công tác du lịch APEC (TWG) sẽ triển khai các cuộc họp liên quan đến hết ngày 25/2.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi