Ngân mãi tiếng chuông hòa bình

Thứ hai - 11/03/2019 04:53
Một nguồn động viên lớn lao với đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng là trong chuyến thăm và làm việc mới  đây với tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh sự nỗ lực vượt khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm và hy vọng rằng đồng bào các dân tộc trong tỉnh sẽ đoàn kết, phát huy cao nhất truyền thống cách mạng và các lợi thế vốn có, đưa Cao Bằng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mới.

Tháng hai, mưa và sương mù vẫn giăng mắc nhiều cung đường và đèo dốc, nhưng những đoàn xe các loại vẫn xuôi ngược từ thành phố Cao Bằng tỏa đi các huyện biên giới. Khách du lịch thập phương nườm nượp đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ đặt chân về đây vạch Cương lĩnh đánh Tây đuổi Nhật.

Thật may mắn, đoàn chúng tôi lên thắp hương Đền thờ Bác Hồ sát ngày Lễ rước nước từ Pác Bó (Pác Bó theo tiếng Tày là “đầu nguồn”) của đồng bào các dân tộc, cầu mong một năm sức khỏe dồi dào, mọi việc hanh thông. Dọc đường gặp các đoàn người gồm cả già, trẻ, gái, trai trong các bộ trang phục nhiều mầu, ánh lên gương mặt rạng rỡ. Tại huyện Hà Quảng - cái nôi của phong trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thiếu tướng, Tổng Biên tập Phạm Văn Miên cùng Đoàn cán bộ, phóng viên báo Công an nhân dân đã trao tặng các hộ nghèo 100 suất quà, mỗi suất trị giá một triệu đồng. Trước đó, Đoàn đến thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Lĩnh nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ đội Biên phòng và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Mọi người trào dâng xúc động, khi biết nơi đây trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc cách đây 40 năm, đã có 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh để giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc.

Tôi theo Đại úy Đỗ Ngọc Hảo, Trưởng Trạm Biên phòng khu vực Bản Giốc - từ quê lúa Thái Bình lên đây tròn 15 năm, ra thăm tận chân thác Bản Giốc và cùng chụp chung tấm ảnh bên cột mốc biên giới nơi đây. Khách thập phương chen nhau chụp ảnh kỷ niệm bên thác ầm ào đổ nước trắng xóa. Nhìn cảnh những đoàn thuyền chở du khách của hai nước tấp nập ngược xuôi bên hai bờ suối, hiển hiện một không khí hòa bình, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc; lòng mọi người lâng lâng.

Anh Hảo cho biết, hằng năm, anh được tham gia Đoàn cán bộ hai huyện Trùng Khánh của Việt Nam và Đức Thiên của Trung Quốc tăng cường giao lưu, bàn chuyện triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Bản Giốc. Đơn vị cũng góp sức cùng các lực lượng trong tỉnh duy trì và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 2018, phối hợp với Bộ Quốc phòng, đã tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị biên phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5 tại Cao Bằng, tạo thêm mốc son hữu nghị gắn kết giữa hai dân tộc Việt - Trung...

Dọc dường đi từ huyện Hòa An đến Hà Quảng, hai bên đường nối nhau những khu ruộng thuốc lá đang mơn mởn mầu xanh, xen giữa các cánh đồng rau đủ loại. Tôi ghé thăm nhà anh Nông Thế Cừ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Cao Bằng. Anh pha trà và mời tôi thưởng thức món bánh Khẩu S’li (như loại bỏng gạo dưới xuôi), nay đã có nhãn mác huyện Hà Quảng, Cao Bằng và có mặt ở nhiều tỉnh. Vốn tính điềm đạm, anh chậm rãi nói những suy nghĩ về chặng đường đi lên của Cao Bằng dù còn nhiều gian khó, nhưng đã và đang hé mở hướng đi tốt lành. Đông đảo cán bộ, nhân dân đồng tình chương trình hành động: “Phát huy tối đa 8 lợi thế của tỉnh; tháo gỡ 3 điểm nghẽn; thực hiện 3 đột phá chiến lược”. Tôi gặp một số cán bộ tìm hiểu chủ trương nêu trên, nhất là qua cuộc trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn, tôi tâm đắc công thức 8-3-3 này. Về 8 lợi thế, Cao Bằng xác định: Thứ nhất, Cao Bằng là quê hương giàu truyền thống cách mạng. Thứ hai, con người Cao Bằng giàu lòng yêu nước, trung thành, trung kiên với Đảng, đoàn kết, thông minh, sáng tạo. Thứ ba, Cao Bằng có hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có ngôn ngữ, phong tục tập quán riêng tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa và tinh thần. Thứ tư, Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả nước, như Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, có nhiều di tích lịch sử: Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó; Khu Di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo; Khu Di tích quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng biên giới năm 1950 huyện Thạch An. Thứ năm, Cao Bằng là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn (hơn 6.700 km2) với độ che phủ rừng hơn 52%. Thứ sáu, so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Cao Bằng có dân số ít, hơn nửa triệu người, vì vậy dễ chăm lo, quản lý, dễ đạt tăng trưởng về kinh tế/đầu người. Thứ bảy, có đường biên giới trên bộ dài hơn 333 km tiếp giáp với thị trường lớn nhất thế giới là nước bạn Trung Quốc với nhiều cặp cửa khẩu phục vụ xuất, nhập khẩu (giá trị hàng hóa qua cửa khẩu dự kiến năm 2019 gần 2,8 tỷ USD). Thứ tám, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và nguồn tài nguyên phong phú để đưa Cao Bằng phát triển nhanh, bền vững. Còn “3 điểm nghẽn” là kết cấu hạ tầng, biên mậu, du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông; “3 đột phá” là dịch vụ du lịch, nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển kinh tế biên mậu.

Biến chủ trương lớn trên đây thành hiện thực, tỉnh đã xây dựng bốn đề án thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Dự kiến sau sắp xếp, kiện toàn, tỉnh sẽ giảm bảy đầu mối cấp tỉnh (gồm một đảng bộ và sáu sở, ngành thực hiện trong năm 2019); giảm 169 đầu mối bên trong các phòng, ban chuyên môn và tương đương thuộc cấp sở, ngành cấp tỉnh; giảm 166 đơn vị sự nghiệp công lập.

Riêng về vị trí lãnh đạo, tỉnh sẽ giảm được tám cấp trưởng và 13 cấp phó sở, ngành, huyện thuộc tỉnh; giảm 244 cấp trưởng, cấp phó các phòng, ban chuyên môn và 498 cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập. Về biên chế công chức, viên chức tỉnh đặt mục tiêu giảm ít nhất 10% trong giai đoạn từ 2019 đến 2021, nhờ đó sẽ giảm kinh phí chi thường xuyên khoảng 50 tỷ đồng (trung bình mỗi năm giảm được khoảng 16,3 tỷ đồng).

Về đơn vị hành chính của tỉnh, sau sắp xếp chỉ còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 3 huyện), cấp xã còn 161 xã (giảm 38 xã)...

Trong tổ chức thực hiện, Cao Bằng đã và đang triển khai phát triển kinh tế biên mậu, coi phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng, là thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam; trong đó, du lịch lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, địa hình được khai thác trên sự tương tác bền vững với những yếu tố độc đáo của Cao Bằng; gắn du lịch với đặc sản và ẩm thực độc đáo của địa phương.

Trong nông nghiệp, Cao Bằng sẽ tập trung khai thác thế mạnh của các loại cây ăn quả, giống lúa quý, đặc sản của địa phương và các loại cây dược liệu. Đặc biệt, Cao Bằng sở hữu 24 loại đặc sản nổi tiếng như: Lúa nếp hương Xuân Trường, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, thạch đen, bí xanh vùng Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông; chè Phja Oắc, Phja Đén, mận Bảo Lạc, quýt Trà Lĩnh, lê Đông Khê, bưởi Phục Hòa, hạt dẻ Trùng Khánh...

Về phát triển kinh tế cửa khẩu, đi đôi nâng cao hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu, coi trọng việc xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, liên vùng kết nối với cửa khẩu, phát triển dịch vụ hậu cần, logistics khu kinh tế cửa khẩu; nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chính ngạch; áp dụng các biện pháp giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Một nguồn động viên lớn lao là, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh, đã hoan nghênh và đồng tình về các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng; đồng thời cho phép xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; cho phép xây dựng cơ chế đặc biệt để phát triển khu du lịch Bản Giốc... Thủ tướng hoan nghênh sự nỗ lực vượt khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm và hy vọng rằng, trên đà những cố gắng và thành tựu trong năm 2018, các dân tộc trong tỉnh sẽ đoàn kết, phát huy cao nhất truyền thống cách mạng và các lợi thế vốn có, đưa Cao Bằng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mới.

Rời xã Đàm Thủy của huyện Trùng Khánh, chúng tôi lên đồi cao thắp hương tại chùa Bản Giốc và đứng lâu ngắm quả chuông được đúc bằng sự hảo tâm của nhiều doanh nghiệp và bà con trong nước. Quả chuông có khắc câu đối dài của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, toát lên tư tưởng nhân nghĩa của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Vậy là, ở nơi địa đầu Tổ quốc này cũng như ở nhiều nơi khác trên dải đất hình chữ S bên Biển Đông, chiều chiều mãi ngân vang tiếng chuông hòa bình, tiếng chuông nhân ái, mang khát vọng “xây nền thái bình muôn thuở” của dân tộc Việt Nam ta!

Ghi chép của NGUYỄN HỒNG VINH

(Bài đã đăng trên báo Nhân Dân)

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi