Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2, mãi đến năm 1956, Nhật Bản và Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay), mới ký tuyên bố đình chiến và thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù vậy, một hiệp định hòa bình chính thức song phương giữa hai nước vẫn chưa đạt được, do các tranh chấp về lãnh thổ.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, hai bên đều giữ khoảng cách nhất định. Nhưng 20 năm trở lại đây, Nga và Nhật Bản đã xúc tiến việc cải thiện quan hệ song phương nhưng không mấy kết quả do tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp.
Để duy trì các mối quan hệ và từng bước tiến đến một hiệp định hòa bình chính thức, kể từ tháng 11/2013, hai nước đã thiết lập cơ chế đối thoại 2+2 – ngoại giao và quốc phòng ở cấp Bộ trưởng. Đây được coi là một nỗ lực mang tính đột phá, mang lại hy vọng đưa quan hệ song phương sang một thời kỳ mới.
Vì vậy, đối thoại Bộ trưởng Nga-Nhật theo cơ chế 2+2 diễn ra ngày 31/7 vừa qua tại Moscow là sự kiện được dư luận chú ý.
Tham dự đối thoại về phía Nga, có Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Choigou, về phía Nhật là Ngoại trưởng Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng, bà Itsomori Onodera.
Tại cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh Nga đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với Nhật Bản, phát triển hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có an ninh, bao gồm cả các vấn đề an ninh quốc tế, khu vực, các mối đe dọa và thách thức mới cũng như các cuộc xung đột khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định việc làm sâu sắc đối thoại với Nga có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khởi động đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ông Kono cũng cho trong bối cảnh tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng, Nga và Nhật Bản đang cố gắng làm sâu sắc sự hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực an ninh. Hai bên đều bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác thương mại song phương sẽ đóng góp giải quyết tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Kuril.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera bày tỏ mong muốn trao đổi quan điểm thẳng thắn dựa trên tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xây dựng lòng tin với Nga.
Việc Nga và Nhật Bản tiến hành cuộc đối thoại 2+2 lần thứ 3 nhằm xây dựng lòng tin chính trị, cố gắng làm sâu sắc sự hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực an ninh, thúc đẩy hợp tác thượng mại… cho thấy cả hai bên đều rất coi trong mối quan hệ song phương, đồng thời tìm tiếng nói chung để góp phần đắc lực giải quyết các mối đe dọa hiện nay trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn