Đóng góp của FDI
Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá: Từ năm 1987, cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài đã được ban hành. Cho đến nay, đã có 3 “làn sóng” đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Làn sóng thứ nhất vào những năm 1990-1992; làn sóng thứ 2 vào những năm 2000 với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Mỹ được ký kết và làn sóng thứ 3 với số lượng FDI bùng nổ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006.
![]() |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn |
Đến nay, khu vực FDI đã hiện diện ở nhiều lĩnh vực và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam. Tính đến tháng 12/2020, đã có 33.070 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đăng ký. Khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu; số thu nộp ngân sách nhà nước tăng đều qua các năm.
Tại diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định: Khu vực FDI phát triển nhanh và đến nay thực sự trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư lâu dài và gặt hái thành công ở Việt Nam.
![]() |
Ông Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại diễn đàn |
Đánh giá cao đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế, song các đại biểu tham dự diễn đàn cũng thẳng thắn thừa nhận, khu vực FDI cũng còn một số tồn tại, hạn chế thể hiện qua mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước chưa như kỳ vọng; Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Đặc biệt, còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường; hiệu quả sử dụng các nguồn lực và các nguồn tài nguyên của nhiều dự án đầu tư nước ngoài còn thấp và chưa thực sự bền vững…
Chú trọng khâu chọn lọc dự án
Làm thế nào để nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI, để khu vực FDI đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam và tạo tác động lan tỏa mạnh mẽ hơn đối với khu vực doanh nghiệp trong nước, đó là câu hỏi mà không chỉ các nhà quản lý, mà còn được nhiều lãnh đạo địa phương và các chuyên gia kinh tế quan tâm.
![]() |
Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tham gia diễn đàn |
Trên thực tế, để nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI, tháng 8/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50 về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, việc thu hút FDI những năm tới phải có chọn lọc hơn, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Tuy vậy, để thu hút được những dự án FDI có chất lượng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và đại dịch Covid-19 vẫn còn là “ẩn số” khó đoán định.
![]() |
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn |
Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Cùng với đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ... để từng bước làm chủ công nghệ, kênh phân phối, nâng cao năng lực quản trị hiện đại và phát triển các sản phẩm quốc gia…
Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, lấy nền tảng con người và năng lực khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới.
Thứ tư, song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương sẽ phải hỗ trợ để các nhà đầu tư triển khai dự án nhanh nhất và hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng.
Dưới góc độ địa phương, ông Lê Duy Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – cho rằng: Chọn lọc dự án là vấn đề mà địa phương này đang đặc biệt quan tâm trong thu hút FDI. Theo đó, không chỉ tập trung thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tỉnh Vĩnh Phúc khi xem xét cấp phép dự án đầu tư còn đánh giá xem dự án ấy có tạo ra chuỗi giá trị cho doanh nghiệp trong nước hay không. Đây cũng là cách địa phương tạo chuỗi liên kết, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 đã diễn ra 2 lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, bao gồm: Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) và Công ty TNHH Mainstream Renewable Power Việt Nam về bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Việt Nam và Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ kết nối với các địa phương Việt Nam. |
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn