Tại xã Lao Chải có trên 600 héc-ta cây sơn tra, nhưng đa phần cho quả rất ít, ước chỉ được gần 300 tấn. Mất mùa nhưng bù lại sơn tra năm nay lại được giá, bình quân từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, thậm chí quả to còn được 17.000 đồng/kg. Không riêng gì Lao Chải, các đồi sơn tra ở Nậm Khắt, Nậm Có, La Pán Tẩn, Chế Tạo… cũng rơi vào cảnh mất mùa tương tự.
![]() |
Sơn tra là cây trồng bản địa mang lại nguồn lợi kinh tế cho bà con vùng cao |
Theo các hộ trồng sơn tra lâu năm, sơn tra mất mùa do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tác động của biến đổi khí hậu, khô hanh kéo dài đúng vào thời kỳ phát triển của cây nên ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Bên cạnh đó, do tập quán canh tác của người dân chủ yếu mang yếu tố tự nhiên, không quan tâm đầu tư, chăm sóc, bón phân cho cây sau kỳ thu hoạch. Một số người dân lại nói rằng, nhiều năm nay, sơn tra thường rơi vào cảnh năm được, năm mất, nguyên nhân có thể do thời tiết và chu kỳ sinh trưởng của cây theo kiểu năm trước được mùa thì năm sau mất mùa.
Đối với huyện vùng cao Mù Cang Chải, sơn tra là cây trồng bản địa mang lại nguồn lợi kinh tế chủ yếu cho người dân với hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Để khai thác hiệu quả kinh tế của loại cây này, tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều giải pháp như quy hoạch vùng phát triển, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, chế biến sâu, đăng ký nhãn hiệu “Sơn tra Mù Cang Chải”… Tuy nhiên, với tình trạng năm được, năm mất như hiện nay thì rõ ràng nguồn lợi sơn tra chưa được duy trì để phát triển bền vững. Vì vậy, huyện Mù Cang Chải đang xác định hướng đi rõ ràng để ổn định và nâng cao giá trị cây sơn tra.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn