![]() |
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân: Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng sẽ điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh có yếu tố nước ngoài |
Nhận diện điểm nghẽn
“Còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững” - TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam- nêu ý kiến và nhấn mạnh, năm 2018, mục tiêu GDP đặt ra ở mức 6,7%. Đà tăng trưởng từ năm ngoái là một yếu tố tích cực cho kế hoạch năm nay nhưng con số này không hề đơn giản trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.
Làm rõ hơn, ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - để “đuổi” kịp tốc độ tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng khoảng 8% trong 10 hoặc 20 năm tiếp theo. Muốn làm được điều đó, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) tại Việt Nam phải tăng khoảng 7%/năm. Tuy nhiên, điều này rất khó, bởi năm 2017, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 6%.
Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức của năm 2018, ngoài các yếu tố khách quan, còn là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh.
Tán thành quan điểm, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân- Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương)- bổ sung, năng lực cạnh tranh là yếu tố tổng hợp, từ nguồn tài nguyên; nguyên, nhiên liệu đến con người, trí tuệ... Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh sau 10 năm thực thi đã phát sinh nhiều bất cập- một trong những “nút thắt” trong phát triển.
Thêm điểm nghẽn khác được các chuyên gia chỉ ra là, tuy nền kinh tế đạt thặng dư thương mại nhưng xuất khẩu phần lớn là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tạo nên. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa thiếu tính kết nối với các doanh nghiệp FDI nên việc thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chưa tạo nên tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong nước. Điều này dẫn tới vai trò của các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế.
Đặc biệt, việc thay đổi chính sách, nhất là chính sách về thuế, phí một cách thường xuyên khiến cộng đồng doanh nghiệp bị động trong chiến lược đầu tư, kinh doanh, làm tăng chi phí đầu vào sản xuất… cũng được các chuyên gia nêu lên như một trong những thách thức lớn của nền kinh kế trong năm 2018.
Hơn nữa, kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao nên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế thế giới. Điều này đã xảy đến trong năm 2017, khi kinh tế trong nước được “hưởng lợi” do kinh tế thế giới bước vào chu kỳ thuận lợi sau 10 năm khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những tác động từ bên ngoài như vấn đề địa chính trị có thể là những thách thức lớn.
![]() |
Các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều khuyến nghị. Ảnh Cấn Dũng |
Khuyến nghị cho phát triển
“Trong bối cảnh này, với nền tảng vĩ mô tương đối ổn định và những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ góp phần giúp Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - ông Đặng Văn Thanh đưa quan điểm và phân tích thêm, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ dựa vào mức tăng trưởng đều ở cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ), do đó, các ngành, các cấp tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tưởng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm được coi là giải pháp tổng thể.
Đồng tình với quan điểm “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” trong điều hành phát triển, TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - khuyến nghị, cần quan tâm hơn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo ông, DNNVV ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế nhưng sức khỏe của khối doanh nghiệp này lại ngày càng yếu đi do phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Kết quả khảo sát trên 10.000 DNNVV do VCCI thực hiện trong năm 2014 cho thấy, đa phần DNNVV gặp khó khăn về tài chính. Cụ thể, nếu như 76% DN lớn của Việt Nam vay vốn được từ ngân hàng thì tỷ lệ này dành cho DN vừa là 72%, DN nhỏ 60% và DN siêu nhỏ chỉ ở mức 38%. Do đó, điều cần làm hiện nay là phải đặt tiêu chuẩn chất lượng DNNVV lên hàng đầu vì hội nhập sâu, rộng mà không có sức mạnh thì DN sẽ bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi...
Ở khía cạnh canh tranh, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để mở “nút thắt”, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia trong không chỉ năm 2018 mà cho cả những năm tiếp theo, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) với quan điểm chủ đạo là tiếp tục mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh có ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh trong nước nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Bên cạnh những quy định kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh, độc quyền của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, dự thảo Luật Cạnh tranh cũng sẽ điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh có yếu tố nước ngoài” - ông Tân thông báo.
Trong khi đó, ông Vũ Tú Thành- Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN tại Việt Nam- dẫn vấn đề, rằng đang có sự “nhầm vai” giữa các cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Lấy ví dụ từ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với sản phẩm nước ngọt có gas, ông Thành phân tích, việc chăm lo sức khoẻ cho người dân không phải chuyên môn của ngành thuế mà của ngành y tế. Như vậy, nếu chủ trì soạn thảo dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do để giảm béo phì, tăng cân đối với người sử dụng thì phải thuộc thẩm quyền của ngành y tế, nhưng thực tế lại do Bộ Tài chính chủ trì.
“Đâu đó quy trình đã ngược”- ông Thành nói và cho rằng, trong quá trình xây dựng pháp luật, cần sự công khai, minh bạch và đặc biệt, cần tham khảo và tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, nhất là đối tượng điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật đó.
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn