Miền Trung-Tây Nguyên: Án hành chính liên tục tăng

Thứ tư - 01/03/2017 03:14
Lượng án hành chính được thụ lý giải quyết tại Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (Viện KSNDCC) liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong số đó, quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai chiếm tỉ lệ cao nhất là 72%.
Ảnh: VGP/Minh Trang
Đó là thông tin được nêu ra tại Hội nghị “Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác ban hành quyết định hành chính và kiểm sát giải quyết án hành chính ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên” do Viện KSNDCC tổ chức sáng 28/2.

Báo cáo thực trạng công tác thụ lý giải quyết án hành chính tại Viện KSNDCC, ông Trần Đức Dương, Phó Viện trưởng Viện KSNDCC cho biết, những năm qua lượng án hành chính được thụ lý giải quyết tại Viện Phúc thẩm 2 trước đây và VKSNDCC hiện nay liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Đặc biệt khi Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực (1/7/2016) thì lượng án hành chính được thụ lý để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tăng đột biến: Nếu như năm 2012 chỉ thụ lý giải quyết 76 vụ, thì năm 2016 đã thụ lý giải quyết 138 vụ.

Tính riêng VKSNDCC từ khi thành lập (1/6/2015) đến hết năm 2016 đã thụ lý giải quyết 198 vụ. Trong số các quyết định hành chính bị khởi kiện ra toà án thì quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai chiếm tỉ lệ cao nhất là 72%, giải quyết khiếu nại 13%, xử phạt vi phạm hành chính 8%, liên quan đến bồi thường 6%, kỷ luật 1%.

Trong tổng số án hành chính thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì số bản án sơ thẩm xét xử chấp nhận đơn khởi kiện chiếm tỉ lệ 12,7%, bác đơn khởi kiện 87,3%.

Qua nghiên cứu các vụ án mà toà án đã tuyên huỷ quyết định hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước ban hành cho thấy một số dạng vi phạm chủ yếu như: Ban hành quyết định không đúng thẩm quyền, ban hành quyết định hành chính về giải quyết tranh chấp nhưng tranh chấp đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND; quyết định hành chính có nội dung không phù hợp với các quy định của pháp luật, không dựa trên sự thật khách quan của vụ việc.

Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng có nhiều trường hợp xảy ra vi phạm trong việc thụ lý, giải quyết án hành chính như kết luận nội dung không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm trong thủ tục tố tụng hoặc có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật bị cấp có thẩm quyền tuyên huỷ án hoặc sửa án.

Ông Trần Đức Dương cho rằng, để xảy ra những vi phạm như trên, nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu sự thống nhất, căn cứ pháp lý có khi còn chồng chéo, dẫn đến việc áp dụng pháp luật vào từng vụ việc cụ thể gặp không ít khó khăn.

Cơ chế thị trường cũng đã làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên phức tạp hơn. Một số nguyên nhân khác như tâm lý của một số cán bộ Nhà nước không chịu sửa sai, luôn cho mình là đúng, một số vì động cơ vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm…

Để khắc phục những tình trạng trên, lãnh đạo Viện KSNDCC đề nghị lãnh đạo cơ quan hành chính Nhà nước các địa phương miền Trung-Tây Nguyên cần rút kinh nghiệm, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền, thời hạn, trình tự thủ tục ban hành quyết định hành chính.

Phải bảo đảm mọi quyết định hành chính đều viện dẫn đúng căn cứ pháp luật. Trước khi ban hành quyết định phải có đầy đủ tài liệu làm căn cứ. Đối với những trường hợp nội dung chưa rõ, số liệu chồng chéo, mâu thuẫn, những vụ việc khiếu kiện kéo dài, dư luận quan tâm… cần phải xác minh cụ thể, bảo đảm quyết định hành chính đúng luật, phù hợp với thực tế và công bằng.

Các quy định của địa phương vừa phải bảo đảm phù hợp với quy định của Nhà nước vừa phải bảo đảm quyền lợi người dân.

Đối với những người đứng đầu giải quyết khiếu nại, khiếu kiện cũng phải cân nhắc thật kỹ trước khi ký quyết định, không khoán trắng cho cấp dưới. Khi cần thiết phải tổ chức họp các ban ngành, đoàn thể, nhất là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực đó để có tham mưu, có quyết định sát đúng.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi