Luật Trồng trọt sẽ thắt chặt quản lý hoạt động sản xuất phân bón

Thứ hai - 19/11/2018 22:02
Chiều 19/11, Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt với 93,81% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.  
 

Trước khi biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Trồng trọt.

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xem xét quy định dừng ngay việc sản xuất, nhập khẩu phân bón khi có bằng chứng khoa học về phân bón có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

luat trong trot se that chat quan ly hoat dong san xuat phan bon

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu


Trước vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng cho biết, trong dự thảo Luật đã quy định phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phải khảo nghiệm để bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người và môi trường. Bên cạnh đó, cũng quy định việc xử lý các trường hợp phân bón đã được cấp Quyết định lưu hành (tức là đã qua khảo nghiệm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật) nhưng sau một thời gian, do khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng nên có bằng chứng chứng minh phân bón này có nguy cơ cao gây ảnh hưởng xấu sức khỏe con người và môi trường.

Tuy nhiên, việc cấm hoặc dừng sản xuất một loại hàng hóa có nguy cơ cao gây hại đến sức khỏe con người, môi trường thì cơ quan quản lý phải điều tra, đánh giá, phân tích nguy cơ, các tác động ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường trên diện rộng để có đủ căn cứ ra quyết định. Pháp luật của Mỹ và các nước EU đều tuân thủ nghiêm ngặt việc xác định, đánh giá nguy cơ gây hại trước khi cấm hoặc dừng sản xuất sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây hại.

Đồng thời, Công ước Rotterdam, Công ước Stockholm, Công ước Basel và Nghị định thư Montreal về vận chuyển thương mại hàng hóa đã quy định việc bổ sung hóa chất được cho là nguy hại vào Danh mục cấm sử dụng theo các phụ lục của công ước trên đều phải có quá trình xin ý kiến của các bên liên quan (được sự đồng thuận của 100% các nước thành viên trong các kỳ họp) và có lộ trình áp dụng cụ thể.

Đối với các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, thời hạn này có thể lên tới 24 tháng. Do vậy, luôn có lộ trình thông báo trước cho việc cấm sử dụng hóa chất được cho là có nguy cơ gây độc hại. Trong thời gian chờ đợi xác minh, các cơ quan liên quan có khuyến cáo cho người dân trong việc sử dụng.

Việt Nam tham gia nhiều công ước quốc tế, có trao đổi thương mại hàng hóa với nhiều nước trên thế giới nên việc tuân thủ quy định và pháp luật quốc tế là cần thiết. “Do vậy, trong dự thảo Luật quy định thời gian tối đa là 6 tháng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón kể từ ngày Quyết định công nhận lưu hành phân bón bị hủy bỏ có hiệu lực là phù hợp với năng lực quản lý nhà nước về phân bón và tương thích với luật pháp quốc tế. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ quy định này như điểm a khoản 2 Điều 38 của Dự thảo Luật” - ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Trước ý kiến đề nghị nên mở rộng đối tượng phân bón không phải khảo nghiệm; bổ sung quy định rút ngắn thời gian khảo nghiệm xuống còn 1 năm, quy định khảo nghiệm diện hẹp song song với diện rộng; giảm khảo nghiệm từ 3 loại cây trồng xuống 2 loại, ông Phan Xuân Dũng cho hay, việc khảo nghiệm các chỉ tiêu phân bón nhằm theo dõi, đánh giá, xác định phương thức sử dụng, tác động đến môi trường, hiệu quả nông học, kinh tế của phân bón; được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia nhằm quản lý nghiêm chất lượng phân bón, hạn chế tác động xấu tới sức khỏe con người và môi trường khi sử dụng.

Do vậy, việc khảo nghiệm phân bón trước khi được công nhận lưu hành là cần thiết đối với tất cả các loại phân bón. “Tuy nhiên, đối với những loại phân bón đã sử dụng phổ biến, chất lượng ổn định (phân đơn), phân bón ít có nguy cơ gây hại đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người thì Dự thảo Luật quy định không phải khảo nghiệm (khoản 2 Điều 39) để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp” - ông Phan Xuân Dũng lưu ý.

luat trong trot se that chat quan ly hoat dong san xuat phan bon

Hình ảnh tại Quốc hội chiều ngày 19/11


Riêng thời gian khảo nghiệm phân bón, quy mô khảo nghiệm phân bón, đối tượng cây trồng trong khảo nghiệm phân bón... là các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật cần thiết đã được quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón. Các chỉ tiêu, yêu cầu này đều được xác định dựa trên các căn cứ khoa học để bảo đảm kết quả khảo nghiệm được khách quan, chính xác, làm cơ sở cho phép một loại phân bón được lưu hành. “Do vậy, xin phép Quốc hội không quy định các nội dung này trong Luật” - ông Phan Xuân Dũng nói.

Ngoài ra, trước ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung quy định về điều kiện cơ sở sản xuất phân bón phải có kế hoạch bảo vệ môi trường; điều kiện cơ sở mua bán phân bón phải đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy và có cam kết bảo vệ môi trường, ông Phan Xuân Dũng khẳng định, trong Luật Trồng trọt chỉ quy định những điều kiện thiết yếu đối với phân bón để cơ quan chuyên ngành có căn cứ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; còn khi đi vào hoạt động, các cơ sở sản xuất, mua bán phân bón phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan trong đó có bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Đặc biệt, trong Luật Trồng trọt đã quy định rõ về điều kiện sản xuất phân bón. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón bao gồm: Có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với quy mô sản xuất; có dây chuyền, máy, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất từng loại, dạng phân bón sản xuất; có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất;

Bên cạnh đó, cần có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và được cập nhật với tiêu chuẩn do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành về quản lý chất lượng; có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học,mhóa học, sinh học.

Tại Luật Trồng trọt, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt gồm: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam trừ trường hợp nhập khẩu phân bón quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón; sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp khác và sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; cung cấp thông tin về giống cây trồng, phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố...

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi