Sửa đổi, bổ sung một số điều hay sửa đổi toàn diện?
Tại hội thảo cho ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (dự án Luật), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, dự thảo Đề cương chi tiết xây dựng dự án Luật dự kiến có 70 khoản quy định sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành, trong đó, sửa đổi 39 điều trên tổng số 91 điều của luật hiện hành và bổ sung 16 điều.
Nội dung sửa đổi thuộc 5 chính sách. Một là, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thực hiện gắn kết hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND với hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết những vấn đề thực tế của đất nước, của địa phương.
Hai là, hoàn thiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND và thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động giám sát.
Ba là, hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát.
Bốn là, hoàn thiện các quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát.
Năm là, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá trong hoạt động giám sát.
Với số lượng các điều khoản dự kiến sửa đổi, bổ sung rất lớn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng phạm vi điều chỉnh dự án Luật. Theo đó, cần làm rõ, đây là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hay là dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi). Những vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung đã thực sự là vấn đề trọng tâm, then chốt hay chưa?
Có cùng băn khoăn này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý cho rằng, nên cân nhắc chỉ sửa đổi, bổ sung một số vấn đề lớn mà thực tiễn đang đòi hỏi, vướng mắc, thay vì sửa đổi, bổ sung số lượng lớn các điều khoản như dự thảo Đề cương chi tiết sẽ trở thành sửa đổi toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Hoàng Anh nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chỉ nên xem xét những vấn đề đã chín muồi, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, nhất là phải phù hợp với nguồn lực và điều kiện bảo đảm, năng lực tổ chức thực hiện.
Nhất trí với ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục làm rõ những hạn chế, vướng mắc trong Luật hiện hành, những vấn đề nào hạn chế, vướng mắc do văn bản dưới luật; các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung là nội dung trọng tâm của luật hay chỉ là quy trình, trình tự, thủ tục? Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, Báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện hành và Báo cáo đánh giá tác động chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung phải thực sự sắc sảo, khách quan, mạch lạc.
Thận trọng, kỹ lưỡng
Dự thảo Đề cương chi tiết cũng đề cập việc sửa đổi quy định liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của các chủ thể thực hiện không đúng, không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của cơ quan giám sát nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đó là, có trường hợp kết luận, kiến nghị của cơ quan giám sát không được chủ thể chịu sự giám sát thi hành. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan phải chịu trách nhiệm về một trong hình thức xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề nghị hết sức cân nhắc khi quy định về vấn đề này. Trước đó, chúng ta chỉ quy định mức độ chủ thể giám sát yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị của cơ quan giám sát. Ông đề nghị, cần xem xét kết luận, kiến nghị của cơ quan giám sát có hợp lý hay không, có đúng hay không. Hơn nữa, trong trường hợp cơ quan chịu sự giám sát không nhất trí với kết luận, kiến nghị giám sát có thể kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét lại kết luận, kiến nghị giám sát đó. "Do vậy, chỉ nên xem xét trong trường hợp: đã có kết luận của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc cơ quan chịu sự giám sát nhận được kết luận giám sát nhưng không có ý kiến phản hồi và không thực hiện thì mới xử lý", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Dự thảo Đề cương chi tiết cũng quy định: Chủ tịch nước phải có trách nhiệm gửi văn bản mình ban hành cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý đều cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm phán, Tòa án Nhân dân tối cao phải gửi văn bản mình ban hành cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc rất bình thường, vì đây là đối tượng chịu sự giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải chủ thể giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, cho nên không nên đặt vấn đề Chủ tịch nước có trách nhiệm gửi văn bản do mình ban hành cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
“Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã quy định chỉ trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua hoạt động của mình phát hiện ra văn bản của Chủ tịch nước trái với Hiến pháp, trái với luật, hay các chủ thể khác phát hiện ra văn bản của Chủ tịch nước trái với Hiến pháp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định. Hơn nữa, Hiến pháp cũng quy định rất rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giám sát văn bản của Chủ tịch nước”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh nguyên tắc: vấn đề nào đã chín, đã rõ, đủ điều kiện thì luật hóa. Trong quá trình tổng kết, đánh giá thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và đề xuất sửa đổi, bổ sung, nếu có vấn đề vướng mắc không phải do luật, không phải do văn bản dưới luật mà do thời gian qua chúng ta làm chưa đúng thì cũng phải phân định hết sức rạch ròi. Phải xác định trọng tâm, trọng điểm những vấn đề đã chín, đã rõ, chứ không phải cứ thấy bất cập là đưa vào sửa đổi, bổ sung luật. Những vấn đề đưa vào luật phải phù hợp với khả năng giải quyết trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề nào chưa đủ khả năng, cơ sở giải quyết, nếu cần thiết có thể đề xuất thực hiện thí điểm.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn