![]() |
Nhiều người dân địa phương đã trở thành nhân viên làm việc tại khu đô thị Ecopark. |
Trong những năm qua, khu đô thị Ecopark đã liên tục có những chính sách thiết thực để hỗ trợ đời sống cho người dân địa phương. Đặc biệt, việc mở các lớp đào tạo chuyển đổi nghề cho hơn 600 nông dân các xã đã tạo việc làm cho người dân địa phương, đây cũng là một nguồn lực lớn để phát triển khu đô thị xanh này.
Chị Nguyễn Thị Lan, 42 tuổi, xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên đã vào làm tại Ban Cây xanh khu đô thị Ecopark được 6 năm, hiện là Tổ trưởng Tổ cây xanh. Nhờ chăm chỉ và thạo việc, lại không ngừng học hỏi nên chỉ sau 2 năm, chị đã được thăng tiến lên thành tổ trưởng với mức lương khoảng 7 triệu/tháng. “Công việc ở đây khá quen thuộc với những người làm nông như tôi, lại được những người đi trước chỉ dạy tận tình nên tôi bắt kịp rất nhanh. So với làm gốm hay làm nông, thu nhập của tôi hiện nay ổn định hơn nhiều, đủ để trang trải mọi mặt cuộc sống”, chị Lan tâm sự.
Trong tổ của chị Lan, cô Phí Thị Đắc, 59 tuổi, là người xã Cửu Cao, cũng đã gắn bó với Ban Cây xanh khu đô thị Ecopark đến nay được 3 năm. “Thời gian tôi chưa làm ở đây thực sự rất khó khăn. Ngoài việc còn mảnh ruộng nhỏ để làm nông, tôi đi chở rác kiếm thêm. Hằng ngày tờ mờ 3h sáng đã bị gọi dậy để đi làm. Công việc vất vả mệt mỏi mà thu nhập chẳng đáng là bao”, cô tâm sự. “Còn từ khi làm trong sự án thì chỉ phải làm 8 tiếng/ngày, không cần thức khuya dậy sớm, lại được nghỉ Chủ nhật. Công việc vừa sức với tôi, tuy lớn tuổi rồi nhưng tôi làm việc vẫn khỏe lắm, không thấy gì nặng nhọc cả”. Cô cho biết thu nhập đều đặn hằng tháng hiện nay khoảng 4 triệu rưỡi, hơn hẳn so với việc chở rác và đồng áng trước kia.
Không chỉ là một nguồn thu nhập đủ sống và ổn định, với nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động trẻ, việc có một công việc ngay gần nhà cũng giúp họ có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình.
Anh Nguyễn Đức Đạt, 27 tuổi, xã Xuân Quan tâm sự, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, làm nhiều nơi chưa ổn định, anh xin làm việc tại Tổ An ninh Đô thị. Hiện anh đã được làm tổ trưởng và làm tại đây đã được 6 năm. “Mình thấy thích hợp với công việc này, thích không khí làm việc vừa chuyên nghiệp, vừa tình cảm của anh em an ninh đô thị. Thu nhập cũng cao hơn so với công việc trước kia nhưng có lẽ quan trọng nhất là mình có nhiều thời gian dành cho gia đình.” Vợ Đạt hiện nay là nhân viên của Trường Đoàn Thị Điểm Greenfield cũng nằm trong khu đô thị. Hai người gặp và yêu nhau khi cả hai cùng làm việc tại đây. Nếu trước kia anh phải đi làm từ 6h sáng đến tận 8h30 tối mới về thì nay Đạt đã có thể hằng ngày về ăn tối cùng gia đình, đưa vợ con đi chơi trong những ngày nghỉ…
![]() |
Nông dân được đào tạo chuyên sâu việc trồng các loại cây trồng khác nhau. |
Đào tạo nghề nghiệp bài bản
Ông Nguyễn Công Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) chia sẻ: “Ecopark luôn tích cực cùng với địa phương có những biện pháp hỗ trợ căn cơ nhất, tốt nhất cho người dân vùng dự án từng bước chuyển đổi nghề và ổn định đời sống. Hiện nay chúng tôi đang sử dụng khoảng 1.300 người bao gồm lao động cố định và thời vụ chủ yếu trong các lĩnh vực chăm sóc, phát triển cây xanh, vệ sinh môi trường, an ninh khu đô thị. Thậm chí có những phòng ban như ban An ninh đô thị, lượng lao động địa phương chiếm đến 80% nhân sự”.
Lực lượng lao động này đang đóng góp rất lớn cho duy trì và phát triển bền vững cho khu đô thị xanh này. Để ổn định và chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động này, Vihajico đã có những chương trình đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, người lao động.
Điển hình như Phòng An ninh Đô thị, khi được nhận vào làm, anh em an ninh đều phải qua một khóa đào tạo ngắn hạn và trong suốt quá trình làm việc thì liên tục được đào tạo thêm. Lê Thanh Tuyền, 27 tuổi công tác tại Phòng An ninh Đô thị cho biết: “Chúng tôi được dạy một cách chuyên nghiệp từ nghiệp vụ an ninh, công tác phòng cháy chữa cháy, võ thuật tự vệ, đến quy tắc, tác phong ứng xử với người dân. Tuần nào chúng tôi cũng có những lớp học thể lực, võ thuật để anh em luôn trong tư thế sẵn sàng nhất. Tôi đã từng làm ở công ty bảo vệ nên có thể khẳng định là đã công tác tại đây thì bạn sẽ làm tốt nghề ở bất cứ đâu”.
Nhiều người dân vẫn bám nghề làm vườn tại địa phương cũng được hỗ trợ, có thu nhập ổn định theo ngày công và đào tạo bài bản cách trồng và chăm sóc đủ loại cây, kể cả những cây thân gỗ lớn như bồ đề, sộp, xanh, si…
Sự phát triển của khu đô thị Ecopark như ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch xã Xuân Quan chia sẻ, “đã đem lại cuộc sống mới cho người dân trong xã”. Từ những thanh niên tốt nghiệp đại học như Đạt hay những cô bác tuổi ông bà như cô Đắc, họ đã bỏ thói quen đánh trâu ra đồng cày ruộng để bắt đầu ngày mới bằng việc chấm vân tay tính ngày công 8 tiếng. Không còn những thấp thỏm mùa vụ thất thu, thu nhập ít ỏi, không cần nhìn thời tiết mà lo lắng, những người nông dân nơi đây đang từng bước từng bước hòa nhập với cuộc sống hiện đại, văn minh, bắt kịp xu thế tất yếu của thời đại.
Được biết, khu đô thị Ecopark đã sử dụng ngân sách lên đến 500 tỷ đồng để đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ từ diện nông dân chuyển đổi nghề tại chỗ, trong đó phải kể đến việc mở các lớp đào tạo chuyển đổi nghề cho hơn 600 bà con nông dân các xã, trực tiếp và gián tiếp tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân địa phương, chủ yếu trong các lĩnh vực chăm sóc, phát triển cây xanh, vệ sinh môi trường, an ninh khu đô thị…
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn