Lo ‘nơi ăn, chốn ở’ để công nhân gắn bó dài lâu với DN

Thứ ba - 28/06/2016 22:53
Nói về mơ ước có nhà để không phải ở trong ký túc xá, con cái được học cả ngày ở trường... của một số nữ công nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là những vấn đề phải hết sức lưu ý và cần có giải pháp căn bản, dài hạn.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm khu nhà ở xã hội của Công ty Becamex Bình Dương. Ảnh: VGP/Đình Nam
Sáng 28/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm một số công ty có số lượng lao động lớn, làm tốt công tác chăm lo đời sống cho người lao động tại tỉnh Bình Dương như Công ty Sao Việt, Công ty May 3-2, Công ty Giày Shyang Hung Cheng. Phó Thủ tướng cũng tới thăm khu nhà ở xã hội của Công ty Becamex ở khu công nghiệp Bến Cát, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương.

Tại các công ty, Phó Thủ tướng dành thời gian trò chuyện với nhiều nữ công nhân, không ít người trong số đó đã làm việc nhiều năm và mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp (DN). Nhiều người chia sẻ mong có được chỗ ở ổn định, lâu dài, có trường học cho con cái, được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ và có những công trình văn hoá, vui chơi giải trí... để yên tâm làm việc.

Nói về mơ ước có nhà để không phải ở trong ký túc xá, con cái được học cả ngày ở trường... của một số nữ công nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là những vấn đề các bộ, ngành, chính quyền địa phương, DN phải hết sức lưu ý, cần có giải pháp xử lý lâu dài, từ nhà ở cho đến trường học, chứ không thể chỉ phụ thuộc vào ký túc xá, nhà trẻ do DN tự xây dựng, hay các khu nhà trọ của người dân địa phương.

Theo Phó Thủ tướng, về lâu dài, sức ép về an sinh, phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp là rất lớn, chỉ địa phương hay DN không thể giải quyết được, mà phải có sự phối hợp trên cơ sở quy hoạch bài bản, tầm nhìn hàng chục năm, phân định trách nhiệm rõ ràng Trung ương làm gì, vai trò địa phương ở đâu, DN tham gia như thế nào…

Có rất nhiều mô hình khác nhau để xây nhà, trường học, bệnh viện… mà DN có thể chủ động tham gia thực hiện với sự hỗ trợ tối đa của chính quyền, cộng đồng. Mục đích cuối cùng là người lao động có được công việc, thu nhập ổn định, được chăm lo đầy đủ mọi mặt đời sống.

Lãnh đạo nhiều DN cho biết, bên cạnh việc đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho người lao động, các DN cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ cho người lao động như cho mua hàng trả sau ở siêu thị; xây trường mầm non, nhà trẻ miễn phí cho con em công nhân; xây ký túc xá; hỗ trợ công nhân về quê dịp lễ, Tết; tổ chức các ngày hội văn hoá thể thao...

Đáng chú ý Công ty Becamex Bình Dương đã đầu tư nhiều công trình văn hoá, bệnh viện, trường học quy mô lớn tại một số khu công nghiệp của Bình Dương.

Công ty cũng đã xây dựng gần 4.900 căn nhà ở xã hội có diện tích 30 m2 mỗi căn với giá 100 triệu đồng, được nhiều gia đình công nhân lựa chọn. Sắp tới Công ty sẽ đầu tư thêm khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội với diện tích 45 m2, có lắp đặt thang máy trong tương lai. Còn bệnh viện do Becamex đầu tư chủ yếu khám chữa bệnh theo diện BHYT, nhưng vẫn bảo đảm đủ kinh phí hoạt động.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với một nữ công nhân của Công ty Sao Việt. Ảnh: VGP/Đình Nam
Báo cáo với Phó Thủ tướng tại buổi làm việc chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Bình Dương biết, toàn tỉnh có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 23.000 DN, dự án. Tổng số lao động đang làm việc tại các DN là trên 960.000 người, trong đó 80% là lao động trẻ ngoại tỉnh. Đây là sức ép rất lớn đối với hệ thống thiết chế văn hoá, xã hội, nhà ở, trường học, nhà trẻ, công trình dân sinh, phúc lợi tại địa phương.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,3 triệu m2 nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 110.000 người; 3 triệu m2 sàn giải quyết chỗ ở cho 450.000 người... Để tăng tốc độ xây dựng nhà ở xã hội, DN rất cần hỗ trợ thêm về tài chính, lãi suất vay, hỗ trợ hạ tầng kết nối đi kèm.

Về vấn đề trường học, lãnh đạo Sở GD&ĐT báo cáo, những năm gần đây, mỗi năm Bình Dương tăng thêm khoảng 30.000 học sinh, kéo theo nhu cầu đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Ngành giáo dục Bình Dương đã phải bố trí tăng sĩ số học sinh mỗi lớp, tăng học 2 buổi, phân tuyến…  kéo theo nguy cơ giảm trường chuẩn quốc gia. Đối với mầm non, hiện các cơ sở tư nhân đang nuôi giữ 66.000/104.000 trẻ, trong khi mới chỉ có 12 DN tổ chức nuôi giữ trẻ được khoảng 2.400 cháu.

Thực tế trên cho thấy, trên địa bàn Bình Dương còn thiếu nhiều công trình thiết chế văn hoá, xã hội, nhất là ở những địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp như thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát. Còn ít DN quan tâm chăm lo cho đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của công nhân.

Lắng nghe các ý phát biểu tại buổi làm việc từ các bộ, ngành, kiến nghị của tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian qua, dù lượng công nhân ngoại tỉnh đổ về Bình Dương tăng nhanh, nhưng tỉnh đã làm tốt những chính sách cho công nhân với nhiều hình mẫu tốt.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, không chỉ Bình Dương, mà những tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút nhiều lao động từ các tỉnh khác đến làm việc với mong muốn gắn bó lâu dài, vấn đề không chỉ đơn giản là thiết chế văn hóa, xã hội trong khu công nghiệp, mà trong việc phát triển, địa phương phải có những phương án đặc thù, nhất là cho những người mới đến, chủ yếu là lao động trẻ. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa cũng phải căn cứ vào thực tế này.

Trong lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bình Dương đã có nhiều cơ chế khuyến khích tối đa xã hội hóa bằng các cơ chế, “không thể để con công nhân không có chỗ học, hoặc chất lượng học ở Bình Dương thấp đi hay thấp hơn các tỉnh khác”.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các cháu bé tại nhà trẻ dành cho con em công nhân tại một khu công nghiệp ở Bình Dương. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Hiện nay, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân ở Bình Dương đã tham gia khám chữa bệnh BHYT, song cần quan tâm đến tăng cường đào tạo cán bộ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người lao động.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Quan điểm của chúng ta là xây dựng một khu dân cư, đô thị mới phải có đầy đủ từ nhà dành cho người có thu nhập cao, đến nhà dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp… Đi kèm với đó là những thiết chế văn hóa, giáo dục, khu vui chơi giải trí với sự tham gia của cả chính quyền địa phương, DN và cộng đồng.

Không nhất thiết trong mỗi khu công nghiệp phải có trung tâm văn hóa do DN đầu tư. Những thiết chế như vậy có thể nằm ở ngoài và DN có thể hỗ trợ người lao động các điều kiện để hưởng thụ lợi ích từ những thiết chế như vậy.

Theo Phó Thủ tướng, các quy định liên quan đến phát triển các thiết chế văn hóa xã hội ở khu công nghiệp cơ bản tương đối đủ, nhưng vấn đề là cách làm.

 “Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề, vướng mắc ở đâu phải chỉ rõ để tháo gỡ ngay”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi