Tham dự buổi Lễ có ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Lãnh đạo Samsung Việt Nam, đại diện các đối tác của Chương trình và tất cả các học viên khóa đào tạo Chuyên gia tư vấn Công nghiệp hỗ trợ lần thứ 2.
Triển khai chương trình hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công Thương và Samsung, ngày 22 tháng 3 năm 2018, Bộ Công Thương và Tổ hợp Samsung Việt Nam đã ký Biên bản thoả thuận về Dự án hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong đó có Samsung.
Khóa đào tạo lần thứ nhất đã kết thúc từ tháng 7 năm 2018.
Các khóa đào tạo này nằm trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam vào tháng 3 năm 2018, về việc đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam có đủ năng lực để có thể đào tạo và tư vấn cho các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp toàn cầu.
Dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ chuyên gia Hàn Quốc, trong 3 tháng diễn ra khóa đào tạo, bên cạnh 4 tuần đào tạo lý thuyết với các kiến thức về quản lý chất lượng và quản lý sản xuất, các học viên đã có 8 tuần thực hành trực tiếp các hoạt động tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp nội địa. Đây là quy trình tư vấn đã được Samsung áp dụng thành công bao gồm: Đánh giá tình hình hoạt động và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hỗ trợ việt nam; Tư vấn đổi mới sản xuất, quản lý chất lượng và lưu thông hàng hóa thông qua việc duy trì môi trường làm việc (5S3D) và cải tiến năng suất; Cải thiện cơ sở sản xuất như chất lượng và lưu thông hàng hóa.
Để hình thành được đội ngũ 200 chuyên gia tư vấn hạt nhân, trong 2 năm (2018 và 2019), Samsung sẽ tổ chức tổng cộng 8 khóa đào tạo tại Hà Nội và TP HCM, mỗi khóa dành cho khoảng 25 học viên và kéo dài trong 3 tháng liên tục. Đây là một trong những nỗ lực lớn của Samsung Việt Nam khi triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, nhằm đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong các chương trình hành động để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước.
Dự án hợp tác đào tạo này dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm 2018 - 2019 bao gồm 8 khóa đào tạo với mục tiêu đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam. Đây sẽ là nguồn nhân lực tư vấn chất lượng cao góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong tương lai.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá: "Đây là một Chương trình đào tạo rất bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng đối với các Tư vấn viên và doanh nghiệp Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, với những kết quả bước đầu như chúng ta thấy ngày hôm nay, Dự án hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn sẽ thành công tốt đẹp. Tôi cũng tin tưởng rằng, các học viên Khóa II đã thu được nhiều kiến thức bổ ích và những kỹ năng cần thiết để có thể trở thành chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp, có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng được giảng dạy vào các dự án liên quan đến tư vấn cải tiến về sản xuất và chất lượng tại chính doanh nghiệp của mình hoặc cho các doanh nghiệp khác. Các anh/chị sẽ là những tư vấn viên nòng cốt về cải tiến sản xuất và chất lượng góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong đó có tập đoàn Sam sung".
Đại diện Cục Công nghiệp cũng đánh giá cao sự ủng hộ cũng như hợp tác tích cực của 5 doanh nghiệp đã tham gia vào chương trình hỗ trợ thực hành cải tiến của khóa đào tạo đầu tiên, tôi mong rằng những kết quả thu được trong 8 tuần thực hành tư vấn này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp cải tiến được hoạt động sản xuất của mình, và bằng việc tiếp tục duy trì hoạt động cải tiến đó, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đạt được những kết quả lớn hơn, cải thiện được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận và kết nối với các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung tại Việt Nam là 58%. Trong số hơn 200 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tại Việt Nam, số doanh nghiệp Việt Nam hiện là 35 doanh nghiệp và mục tiêu đặt ra là 42 doanh nghiệp trong năm 2019 và 50 doanh nghiệp đến năm 2020. |
Nguồn tin: www.moit.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn