Lâm Đồng: “Làn gió mới” từ đề án điểm

Thứ năm - 25/03/2021 23:20
Là 1 trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được lựa chọn thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm về chế biến cà phê (đề án điểm), Lâm Đồng đã và đang tạo điển hình về hiệu quả của một đề án được hỗ trợ thực chất, bám sát nhu cầu.
 

Hiệu quả cao

Sau 3 năm thực hiện đề án điểm "Hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất và chất lượng trong chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020", đã có 44 doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được thụ hưởng. Trong đó, phần lớn DN được hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
 

Lâm Đồng: “Làn gió mới” từ đề án điểm

Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ đề án điểm


Theo đại diện Sở Công Thương, đề án điểm đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp DN CNNT hoàn thiện sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đáng lưu ý, nhờ bám sát nhu cầu thực tế, đề án đã thu hút đáng kể nguồn vốn đối ứng từ đơn vị thụ hưởng. Cụ thể, tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất là 3,4 tỷ đồng, nhưng đã thu hút gần 10 tỷ đồng vốn từ DN CNNT.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức 6 đợt khảo sát giao thương với 32 DN tham gia và thu được 14 hợp đồng mua bán, trao đổi để tiêu thụ sản phẩm; 22 biên bản hợp tác, liên kết để tiêu thụ sản phẩm được ký kết.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương, nguồn vốn hỗ trợ từ đề án điểm với ngành chế biến cà phê trong 3 năm qua là đòn bẩy, tạo đà cho DN cải tiến kỹ thuật, hiện đại hóa trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần làm cho ngành chế biến cà phê trên địa bàn có bước khởi sắc đáng kể. Nếu những năm trước, Lâm Đồng chỉ tập trung sản xuất sản phẩm cà phê nhân, thì những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, các DN đã chú trọng phát triển cà phê bột, xây dựng thương hiệu và đầu tư bao bì mẫu mã cho sản phẩm. Một số DN trên địa bàn tỉnh đã thành công như Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, Công ty TNHH cà phê Hân Vinh...

Phát huy vai trò vốn mồi

Đề án điểm hỗ trợ chế biến cà phê đã triển khai rộng khắp đến các địa phương trong tỉnh, lan tỏa đến DN, phát huy tốt vai trò vốn mồi, khuyến khích cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Tuy vậy, qua quá trình triển khai thực tế, vẫn còn một số khó khăn khiến hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Trước hết phải kể tới mức hỗ trợ đối với DN còn thấp, kinh phí bố trí hàng năm chưa nhiều. Một số DN nhỏ, nhất là các hộ gia đình gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn của đề án, bởi không đảm bảo hồ sơ cần thiết cũng như thị trường tiêu thụ hẹp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh.

Theo đó, để đề án đạt hiệu quả tốt hơn nữa, phát huy vai trò vốn mồi thúc đẩy DN ngành cà phê của tỉnh phát triển, thời gian tới, Lâm Đồng ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho DN chế biến cà phê bột, cà phê đặc và cà phê hòa tan với quy mô lớn. Khuyến khích DN cải tiến công nghệ, thiết bị xay xát, tăng tỷ lệ cà phê chế biến ướt lên 40%, giảm dần tỷ lệ cà phê chế biến khô xuống còn 60%.

Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào tại các nhà máy, nhằm cải thiện giá bán cà phê nhân; phát huy hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, tham gia thường xuyên các kỳ hội chợ, triển lãm được tổ chức hàng năm tại thị trường trong nước và nước ngoài, nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cà phê của địa phương.

Sau 3 năm triển khai, đề án khuyến công quốc gia điểm đã hỗ trợ 44 cơ sở, DN chế biến cà phê, thu hút gần 10 tỷ đồng vốn đối ứng từ đối tượng thụ hưởng.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi