![]() |
Đại tá Đặng Hữu Hào. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Lớn lên từ mảnh đất Thạch Hà (Hà Tĩnh), năm 1972, chàng thanh niên 18 tuổi Đặng Hữu Hào nhập ngũ với khát vọng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Năm 1972, nhằm xây dựng lực lượng dự bị động viên và đề phòng mọi sự xâm nhập của địch, một sư đoàn cơ động, với cách huấn luyện mới đã ra đời trên địa bàn Quân khu 4, mang tên Sư đoàn Sông Lam, hay còn gọi Sư đoàn 341.
Đầu năm 1975, Sư đoàn 341 được lệnh tiến quân vào chiến trường miền Nam.
Băng rừng lội suối ròng rã 1 tháng trời, Sư đoàn 341 vào đến Phước Lộc (Đồng Nai). Khi đến vị trí tập kết tại khu vực Định Quán (trên đường 20, thuộc tỉnh Đồng Nai), đơn vị gặp địch và nhanh chóng triển khai tấn công. Đối phương lùi vào một khu đồi cao chống trả, hòng ngăn chặn đường tiến quân của ta từ Lâm Đồng vào Sài Gòn.
Các chiến sĩ Sư 341 tấn công với sức mạnh áp đảo khiến địch phải tháo chạy.
Ngay sau đó, Trung đoàn 270 của ông Hào tiếp tục nhận được lệnh chuẩn bị tấn công thị xã Xuân Lộc nơi địch coi là “cánh cửa thép” phía đông của chúng.
Khoảng 4h sáng ngày 9/4, Trung đoàn 270 bắt đầu tiếp cận đối thủ tại mặt trận Xuân Lộc.
Ông Hào kể lại: “Sáng hôm đó, chúng tôi nhận lệnh xung phong tấn công vào cửa mở phía bắc thị xã Xuân Lộc. Lúc này, địch chống trả rất ác liệt. Muốn vào thị xã Xuân Lộc buộc phải qua một bãi trống khá rộng bên ngoài. Ai tiến lên đều bị hỏa lực của địch gây sát thương. Ròng rã cả buổi sáng, Trung đoàn 270 cũng không thể tiến lên được và thương vong của ta khá lớn”.
“Trước tình hình này, chúng tôi phải lui ra ngoài đào hầm trú ẩn. Sau đó, lực lượng ta liên tiếp tục nã pháo vào thị xã Xuân Lộc. Trong trận đánh ác liệt này, ta phải giằng co cả 11 ngày trời với địch mới giành được thị xã. Đến ngày 20/4/1975, địch phải rút chạy”.
Ngày 27/4/1975, sau giải phóng Xuân Lộc, Quân đoàn 4 tấn công đánh chiếm Chi khu Trảng Bom, theo Quốc lộ 1A tiến đến Hố Nai, Biên Hòa, lúc này địch đã bắt đầu suy yếu trước sự tấn công của quân ta.
Tuy nhiên, ngày 28/4/1975, khi lực lượng ta đến Hố Nai thì gặp phải pháo địch liên tục dội xuống cản đường. Lúc đó, tại sân bay Biên Hòa, địch chống cự quyết liệt khiến đội quân của Quân đoàn 4 không thể tiến vào Dinh Độc Lập. Đơn vị đã phải đánh một trận tại căn cứ bên ngoài sân bay Biên Hòa, bắt sống chỉ huy của địch đúng ngày 30/4. Khi bị bắt, tên thiếu tá chỉ huy căn cứ địch vẫn không sao tin được Sài Gòn đã thất thủ, đầu hàng.
Giờ đây, sau 42 năm, nhớ lại những giờ phút của Ngày Chiến thắng 30/4 khi tin thắng trận đã được loan báo qua loa đài khắp khắp cả nước, khi nhân dân Sài Gòn ùa ra hò reo mừng chiến thắng, ông Hào vẫn bồi hồi. Và cùng với sự bồi hồi ấy là nỗi niềm tiếc nhớ những đồng đội của mình đã hy sinh cho ngày vui của đất nước.
Ông cho biết, hằng năm, Ban Liên lạc Sư đoàn 341 vẫn tổ chức về lại chiến trường xưa, đến những nơi mà đồng đội mình ngã xuống. Ông cho rằng còn sống để trở về xây dựng quê hương là hạnh phúc không gì sánh được vì niềm hạnh phúc ấy có phần đóng góp máu thịt của đồng đội, đồng bào.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn