![]() |
Phó Thủ tướng phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số được tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội với sự tham dự của các Bộ trưởng các Bộ phụ trách lao động và việc làm, đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà hoạch định chính sách và các bên có liên quan trong nước và khu vực đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Không chỉ về kinh tế
Chào mừng các vị đại biểu tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tầm quan trọng, ý nghĩa của diễn đàn nằm ngay ở chủ đề là “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”. Theo Phó Thủ tướng, thời kỳ nào thì nguồn nhân lực cũng là trung tâm, động lực của phát triển. Trong kỷ nguyên số, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT đặt ra rất nhiều yêu cầu mới và cũng tạo ra nhiều điều kiện mới để phát triển nguồn nhân lực, không chỉ nhân lực có trình độ cao mà còn liên quan tới tất cả mọi tầng lớp lao động, kể cả lao động giản đơn.
Theo Phó Thủ tướng, APEC là khu vực phát triển rất năng động với số người sử dụng internet, mạng xã hội đều trên một nửa số lượng công dân toàn cầu. Tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế trong khối APEC và các nước thành viên đều cao hơn mức trung bình toàn thế giới và theo nhiều nghiên cứu thì tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng cao.
Các nước trong APEC đã rất chủ động để thích ứng và tận dụng những giá trị mà kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các khái niệm như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robotics, xử lý dữ liệu lớn… đem lại với nhiều chương trình, kế hoạch như Chương trình Công nghiệp Internet và sản xuất tiên tiến ở Hoa Kỳ, Chương trình Sáng kiến chuỗi giá trị công nghiệp ở Nhật Bản, Chương trình Sản xuất tại Trung Quốc 2025, Chiến lược Sản xuất sáng tạo ở Hàn Quốc hay Chiến lược quốc gia về Internet vạn vật ở Malaysia.
“Kỷ nguyên số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà với CNTT là phương tiện kết nối sẽ mở ra chân trời, thế giới mới cho từng người, từng cộng đồng, để tất cả mọi người được chia sẻ, giao lưu, tiếp cận và đóng góp chung vào thành tựu, văn minh nhân loại, khẳng định sáng tạo, giá trị cá nhân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
![]() |
Toàn cảnh Đối thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thay đổi để thích ứng và phát triển
Có một số cảnh báo cho rằng cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra nguy cơ mất việc làm hàng loạt, nhất là ở những ngành sử dụng nhiều lao động và tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần nhìn nhận lạc quan hơn, bởi trong các cuộc cách mạng trước đây, bao giờ cũng có những ngành nghề, việc làm bị mất đi nhưng số lượng việc làm mới, ngành nghề mới được tạo ra còn nhiều hơn thế. “Ai là người nắm bắt được sự thay đổi trước thì người đó sẽ giành được lợi thế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hơn thế, theo Phó Thủ tướng, không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới, phương thức tổ chức, cung cấp lao động cũng thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Khái niệm người làm nghề tự do (freelancer) ngày càng trở nên phổ biến và ngay ở Việt Nam - một nước đang phát triển, theo thống kê của một website dành cho cộng đồng freelancer (vLance.vn) thì có gần 170.000 người làm việc theo hình thức này, trong các lĩnh vực CNTT, thiết kế đồ họa, viết bài, dịch thuật… Ngoài ra, việc tổ chức thị trường lao động cũng có những thay đổi căn bản nhờ CNTT. Bên cạnh hệ thống trên 100 trung tâm xúc tiến việc làm công lập hằng năm giúp khoảng 3 triệu người tìm việc, những start-up, website giới thiệu, tư vấn việc làm ngày càng trở nên phổ biến giúp hàng triệu người tìm việc, hơn cả hệ thống kia cộng lại.
Cùng chung quan điểm, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói: “Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, chúng ta đều nhận thức rằng ứng dụng công nghệ và số hoá là cơ hội mới góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế, tạo điều kiện cho việc ra đời, phát triển mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và tạo ra những cơ hội việc làm cho người lao động”.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực tế cũng đặt ra không ít thách thức mới do sự gia tăng của tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo do ngày càng có nhiều nhu cầu của các nghề và kỹ năng mới, do thay đổi phát sinh trong thị trường lao động và quan hệ lao động.
![]() |
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại cuộc đối thoại, các đại biểu và diễn giả đã thảo luận về những hàm ý của số hóa đối với việc làm tương lai và những thách thức, cơ hội mà nó sẽ mang đến cho người lao động và cộng đồng của họ. Các đại biểu khuyến nghị cần tập trung đặc biệt vào các kỹ năng, giáo dục và đào tạo để bảo đảm rằng những người tham gia thị trường lao động có khả năng tận dụng tốt những cơ hội mới; trong đó đặc biệt chú ý để “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các chính sách bảo trợ xã hội cần được thực hiện để hỗ trợ những lao động bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi cơ cấu.
Từ những phân tích trên, Phó Thủ tướng cho rằng cần thay đổi rất căn bản trong giáo dục-đào tạo, nhất là với các nước đang phát triển như Việt Nam. “Không chỉ phải đổi mới trên phương diện ngành nghề, chương trình, giáo dục ở bậc đại học mà ngay ở bậc phổ thông, thậm chí ngay từ mẫu giáo cũng vẫn phải thay đổi. Không chỉ là yêu cầu để bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục, bình đẳng cho các nhóm yếu thế trong xã hội hay khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho trẻ em thông qua các chương trình như STEM. Không chỉ là yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, giữa nhà trường với doanh nghiệp hay đào tạo các kỹ năng mềm và năng lực phản ứng trước những thay đổi của xã hội…”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng còn có một yêu cầu đặt biệt quan trọng là giáo dục ý thức, kỹ năng cần thiết của một công dân toàn cầu.
“CNTT là một công cụ hữu hiệu để giải quyết các vấn đề này”, Phó Thủ tướng khẳng định và chia sẻ câu chuyện mà bản thân ông rất ấn tượng, đó là có những học sinh phổ thông ở Việt Nam hằng tuần tham gia những tiết học STEM qua mạng cùng với học sinh ở Hoa Kỳ, hay hàng nghìn giáo viên Việt Nam tham gia hướng dẫn, giảng dạy toán học trên toàn thế giới qua ứng dụng GotIt.
Tại Đối thoại, đại diện các nền kinh tế APEC sẽ xem xét Khung phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số nhằm đưa ra một loạt chính sách và biện pháp thích hợp để hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị cho những người tham gia thị trường lao động tận dụng các cơ hội và đối phó với những thách thức về việc làm ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Văn bản này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng APEC (AMM) và Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM) được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào cuối năm nay. |
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn