Nội dung chính của Phiên họp tập trung tổng kết tình hình công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2015-2020 và một số đề xuất cho phương hướng giai đoạn tới; thảo luận bối cảnh quốc tế mới và định hướng chính sách đối với Việt Nam; kết quả 01 năm triển khai Chương trình hành động thực thi CPTPP và Kế hoạch triển khai EVFTA; và tác động của đại dịch Covid-19 đối với sự phát triển của ngành/ lĩnh vực và giải pháp khôi phục kinh tế trong giai đoạn tới…
Đánh giá về công tác chỉ đạo hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2015-2020 cho thấy bối cảnh kinh tế chính trị thế giới có những diễn biến hết sức phức tạp dưới ảnh hưởng của xung đột chính trị và kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 06-NQ/TW khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Với vai trò là cơ quan phối hợp liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, BCĐLNKT đã điều phối các Bộ ngành, địa phương tích cực triển khai công tác hội nhập trong lĩnh vực kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập và đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2015-2020.
Với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua. Đặc biệt, chúng ta đã và đang thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới CPTPP và chuẩn bị bước vào giai đoạn thực thi FTA với Liên minh Châu Âu. Đây là những hiệp định quan trọng, góp phần tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bởi vậy, công tác xây dựng văn bản pháp luật để thực thi hiệp định, cải cách hành chính nhằm tạo tiền đề cho các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội của hiệp định phải được các Bộ, ngành liên quan đặt ưu tiên hàng đầu. .
Năm 2020 cũng là năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN theo cơ chế luân phiên. Do tác động của dịch Covid, các hoạt động ASEAN đã thực hiện theo hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tích cực, chủ động thể hiện vai trò Chủ tịch để dẫn dắt các hoạt động của ASEAN và các đối tác, thúc đẩy việc thực thi các sáng kiến đã được thông qua. Hiện chúng ta đang tiếp tục thúc đẩy xây dựng và thông qua chương trình hành động của ASEAN nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch.
Để tạo sức bật cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay và tận dụng tối đa các ưu đãi, khai thác toàn diện các lợi ích hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo đã kết luận sự cần thiết nâng cao tinh thần phối hợp và chủ động của các Bộ, ngành và địa phương thông qua các cơ chế liên ngành để tập trung vào một số nội dung chính như: (i) Tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế trong phối hợp các Bộ, ngành, địa phương triển khai các Nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA. (ii) Nâng cao và đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi các FTA thế hệ mới nói riêng, tạo đột phá trong hình thức, cách thức và nội dung tuyên truyền để phổ biến thông tin tới tất cả các đối tượng có liên quan, đặc biệt là người dân và cộng đồng doanh nghiệp. (iii) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật, nội luật hóa các cam kết mà Việt Nam đã và đang tham gia trong các FTA. (iv) Rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm giữ vững và phát triển các quan hệ đối ngoại, có kế hoạch, phương án cụ thể phù hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, phát huy củng cố vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Các Bộ, ngành sớm xây dựng Chương trình hành động thực hiện Hiệp định EVFTA sau khi có Chương trình hành động của Chính phủ. (v) Định kỳ tiến hành rà soát tình hình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA, đánh giá tác động để kịp thời phát hiện, báo cáo Chính phủ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, và có giải pháp điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn
Nguồn tin: moit.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn