Không đăng kiểm cho 16.000 ô tô vì chưa nộp phạt

Thứ tư - 20/09/2017 04:19
Từ đầu năm đến nay, số chủ xe ô tô vi phạm giao thông nhưng không nộp phạt, bị gửi danh sách sang đăng kiểm để từ chối kiểm định tăng gấp 5 lần so với cả năm 2016.
Nhiều chủ xe đi vào làn buýt nhanh BRT Hà Nội bị camera ghi hình để phạt nguội nhưng không hề hay biết. Ảnh: Báo Giao thông

Báo Giao thông dẫn lời ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, trong năm 2016, Cục chỉ nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm 2.800 trường hợp xe ôtô. Tuy nhiên, gần đây con số này tăng chóng mặt. Chỉ từ tháng 1/2017 đến ngày 15/9/2017, danh sách đề nghị từ chối đăng kiểm đã lên hơn 16.000 trường hợp, tăng hơn 5 lần năm 2016.

“Con số này gồm cả phạt nguội và những người bị các lực lượng chức năng lập biên bản nhưng cố tình không nộp phạt. Đến nay, mới có hơn 5.500 xe ô tô chấp hành nộp phạt và được tiếp nhận đăng kiểm trở lại”, ông Hệ nói.

Theo Thiếu tá Nguyễn Minh Thuý, Đội phó Đội chỉ huy điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), từ đầu năm 2017 đến nay, Đội phát hiện, xử lý 3.557 trường hợp ô tô vi phạm qua camera, gửi thông báo tới cơ quan đăng kiểm 1.189 trường hợp đề nghị không kiểm định.

Sau khi trích xuất hình ảnh vi phạm từ camera, CSGT Hà Nội gửi thông báo, giấy mời đến chủ xe theo tên trên giấy đăng ký xe, yêu cầu chủ phương tiện lên chấp hành xử lý vi phạm trước đó. Tuy nhiên, hầu hết, các trường hợp vi phạm chưa đến chấp hành xử lý có thể do các chủ xe mua bán, chuyển nhượng cho nhau chưa làm thủ tục sang tên. Hoặc chủ phương tiện cũ đã bán xe ôtô nhưng không sang tên cũng không thông báo cho cơ quan công an. Thậm chí, chủ cũ khi nhận được thông báo của CSGT không phản hồi, đến khi chủ xe mới đi đăng kiểm mới biết.

Ngoài ra, nhiều trường hợp chủ xe biết nhưng không chấp hành, khi đến lần đăng kiểm định kỳ tiếp theo bị dừng đăng kiểm mới quay lại nộp phạt.

Việc số lượng xe đề nghị từ chối đăng kiểm do không nộp phạt tăng mạnh gây phát sinh nhiều thủ tục, giấy tờ, thậm chí chi phí cho bộ phận chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị đăng kiểm.

Cụ thể, sau khi nhận được văn bản thông báo đã nộp phạt phải dỡ cảnh báo, cho phép các trung tâm đăng kiểm tiếp nhận phương tiện. Về phía các trung tâm đăng kiểm phải sao lưu chứng từ về việc người vi phạm đã chấp hành xử phạt, sau đó gửi lại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Chưa kể vẫn xảy ra những trường hợp đơn vị xử phạt quên phản hồi, khiến có trường hợp đã chấp hành xử phạt nhưng vẫn chưa được đăng kiểm ngay.

Ông Hệ cho rằng, để tránh gây phiền phức cho chủ xe, các đơn vị sau khi đã hoàn thành việc xử phạt đối với xe vi phạm cần gửi ngay đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để dỡ cảnh báo trên hệ thống. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử quản lý xe cơ giới trên toàn quốc, để đồng bộ hóa dữ liệu và nâng hiệu quả quản lý chung.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi