Không chỉ được "học chữ” mà còn được "rèn người”

Thứ hai - 26/08/2019 00:34
Học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái không chỉ được "học chữ” mà còn được "rèn người” theo đúng lời căn dặn của Bác Hồ.

 

Ảnh: VGP/Nhật Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: "Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng” vừa "chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt chú trọng đến sự nghiệp "trồng người", vì theo Bác, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, sự hưng thịnh, tồn vong của một quốc gia, một dân tộc suy cho cùng hoàn toàn phụ thuộc vào con người, vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người, trong đó, giáo dục và đào tạo giữ vai trò quyết định.

Trong sự quan tâm chung đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, Bác cũng dành cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái những tình cảm đặc biệt. Năm 1948, Bác đã viết thư gửi Nhi đồng Yên Bái. Trong thư có đoạn "... chừng 4.800 cháu đã biết chữ, thế là tốt, nhưng còn 2.700 cháu chưa biết chữ”.

Thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Bái, tháng 9/1958, Người nhấn mạnh: "Muốn cho dân giàu, nước mạnh, mọi người phải biết chữ, có văn hóa mới làm được việc. Bộ Giáo dục sẽ cử thêm giáo viên lên giúp tỉnh để vài năm tới tỉnh xóa được nạn mù chữ”.

Lời căn dặn của Người "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt-học tốt” đã trở thành mục tiêu phấn đấu, để ngành giáo dục tỉnh Yên Bái vượt qua khó khăn, thử thách, giành được những kết quả rất đáng tự hào trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Cùng với việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này. Đồng thời, tập trung trí lực xác định các giải pháp mang tính đột phá, gắn với Phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”, thực hiện có hiệu quả, từng bước đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đổi mới căn bản và toàn diện. Đổi thay rõ nét trong bức tranh giáo dục và đào tạo của tỉnh, đó là mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có 432 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với quy mô gần 7.600 nhóm, lớp với trên 209.000 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp hàng năm đạt trên 99%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99%, tỷ lệ trong độ tuổi vào lớp 6 đạt 98%.

Cùng đó, công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm chú trọng, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 70%, toàn tỉnh hiện có 151 trường đạt chuẩn quốc gia.

Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên không ngừng nỗ lực, đoàn kết vươn lên giành nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện. Năm 2015, lần đầu tiên tỉnh có học sinh đạt giải Khuyến khích Olympic Vật lý khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2018, giành được Huy chương Bạc ở kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2019, Nguyễn Đình Hoàng (lớp 12 Hóa Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) là học sinh đầu tiên mang về một huy chương quốc tế cho tỉnh Yên Bái.

Là ngôi trường luôn dẫn đầu trong bồi dưỡng học sinh giỏi và đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành luôn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, để nâng cao chất lượng dạy và học.

Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành Nguyễn Quang Hợp cho biết: "Quyết tâm thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành luôn thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, giữ vững, nâng cao thành tích thi học sinh giỏi các cấp và kết quả thi vào đại học”.

Công tác phát triển giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã những chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng thành công hiệu quả các trường dân tộc bán trú, hiện nay, toàn tỉnh có 9 trường dân tộc nội trú, 48 trường dân tộc bán trú, 57 trường có học sinh bán trú với tổng số trên 22.300 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ.

Là nơi truyền thụ kiến thức, chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn luôn nỗ lực vượt khó để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn Sầm Thị Minh Khuyên cho hay, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường luôn sáng tạo, đặt những bước đi mang tính đột phá để học sinh dân tộc thiểu số không chỉ được "học chữ” mà còn được "rèn người” theo đúng lời căn dặn của Bác.

Để tiếp tục thực hiện tốt mong muốn của Người, gắn với thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phù hợp với nhiệm vụ của địa phương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái Vương Văn Bằng cho biết: Trong những năm qua công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng luôn được Đảng ủy, lãnh đạo Sở GD&ĐT Yên Bái quan tâm chỉ đạo. Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong ngành giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và hành động trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục được chú trọng.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái Vương Văn Bằng. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Điểm nhấn trong là ngành giáo dục tỉnh Yên Bái phát động tổ chức Hội thi “Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên. Không khí học tập và làm theo tư tưởng của Người đã lan tỏa rộng khắp các nhà trường và tạo hiệu ứng hết sức tích cực.

Chiều qua, 21/8, Sở GD&ĐT Yên Bái đã tổ chức lễ bế mạc và trao giải Hội thi. Ông Bằng cho biết, Hội thi năm nay được Sở GD&ĐT Yên Bái tổ chức thành 3 cấp: Cấp cơ sở, cấp phòng, cụm và cấp ngành; lựa chọn ra 82 mô hình và điển hình tiên tiến của hơn 13.900 cán bộ, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục toàn tỉnh.

Tại Hội thi cấp ngành (vòng chung kết), Ban tổ chức đã lựa chọn ra trình diễn và chấm điểm 11 bài viết (5 mô hình và 6 điển hình tiên tiến) đến từ 9 phòng giáo dục, đào tạo.

Theo đại diện Ban Giám khảo, 11 bài dự thi từ các phòng giáo dục, đào tạo được đầu tư kĩ lưỡng về mặt chuyên môn, nhiều bài viết có chất lượng tốt xuất phát từ thực tế cơ sở như mô hình “5 ngày tiết kiệm”; mô hình “ Xây dựng môi trường học tập thân thiện’’; mô hình “Ngôi trường sáng-xanh-sạch đẹp, đầy ắp yêu thương”  trong việc giáo dục học sinh bán trú”; mô hình “ Trường học nông trại”.

Nhìn chung, các bài thi được thầy cô giáo dàn dựng công phu, tìm hiểu kỹ về nội dung câu hỏi, tái hiện lại các câu chuyện kể về Bác Hồ; phần trả lời bám sát vào hướng dẫn và các nội dung và thể lệ. Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành làm theo lời Bác và sáng mãi đạo đức nhà giáo.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái Vương Văn Bằng chia sẻ tại Hội thi: “Lời dạy của Bác năm xưa cùng tinh thần học tập không ngừng nghỉ của Người chính là tấm gương đạo đức sáng nhất để đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh soi vào đó nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong hành trình gieo chữ - dạy người, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn trong tương lai”.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi