Theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng của năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng và xuất siêu gần 22 tỷ USD trong 9 tháng. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tích cực.
Về giải ngân vốn đầu tư công, đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Khu vực nông nghiệp tăng 3,38%; dịch vụ tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao. Bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội. Đã thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.
Những kết quả này được đánh giá là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Vậy nhưng, thực tế, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là không thể. Do đó, vấn đề là cần tiếp tục phân tích làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế. Đồng thời nhận diện đầy đủ các xu hướng phát triển, các yếu tố ảnh hưởng để có giải pháp căn cơ khắc phục.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, một đại biểu Quốc hội cho rằng, để đánh giá thực trạng của nền kinh tế, trước tiên cần nhìn vào ngân sách. Không thể phủ nhận rằng, số thu nội địa đang giảm - cho thấy kinh tế phát triển chưa bền vững. Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương cũng giảm trong nhiều năm liền; ngân sách địa phương nhiều tỉnh đạt nhưng không sát dự toán, không đều, còn nhiều địa phương thu ngân sách chưa đạt... cho thấy trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Bên cạnh đó, các thị trường có liên quan đến "sức khỏe" của nền kinh tế cũng không ổn định. Đó là thị trường bất động sản bị đóng băng, thị trường trái phiếu trầm lắng, thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp. Thị trường tài chính, tiền tệ còn ẩn chứa nhiều rủi ro...
Từ thực tế này, vấn đề đặt ra trong những tháng cuối năm, trong năm 2024 và các năm tiếp theo là phải tiếp tục duy trì nỗ lực và quyết liệt hơn để khơi thông mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội để phát triển. Tiếp tục duy trì các động lực cũ, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới. Bởi theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của nước ta. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, cần có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các "đầu tầu" tăng trưởng của nền kinh tế đồng thời tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng để phát triển bền vững.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn