Khoảng trống phía sau những người phụ nữ

Thứ ba - 19/09/2017 00:50
Chỉ trong vòng một tuần đã có tới 2 vụ việc gây ra cái chết của 2 người mẹ cùng những đứa con nhỏ.
Ảnh minh họa

Ngày 3/9, chị Chu Thị V (24 tuổi, trú tại xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, Nghệ An) trong lúc nóng giận sau trận cãi nhau với chồng đã ôm cả hai con nhỏ nhảy xuống sông tự vẫn. Khi qua đời, chị đang mang thai đứa con thứ ba.

Ngày 11/9 tại một nhà nghỉ ở Khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội), chị Nghiêm Thị H (29 tuổi, trú tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng được phát hiện đã chết cùng hai con. Hai cháu chết vì những vết đâm còn chị H chết trong tư thế treo cổ. Theo nhận định sơ bộ hiện trường không có dấu hiệu của vụ cướp, cửa chốt bên trong và chị H trước đó đã có dấu hiệu trầm cảm. Nhận định ban đầu, nhiều khả năng là vụ người mẹ đã gây nên cái chết của hai con sau đó tự vẫn.

Cùng với hai cái chết của hai người phụ nữ, đã có thêm 4 cháu nhỏ và một hài nhi chưa kịp ra đời cũng bị tước đi quyền được sống.

Bất cứ ai kể cả không phải là người thân của các cháu bé biết những tin này đều không khỏi thương cảm. Ở một góc độ nào đó, những người mẹ cũng có phần đáng trách. Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, những người phụ nữ đáng được cảm thông chia sẻ và hơn hết gia đình xã hội cần có trách nhiệm không để tái diễn những tình trạng tương tự.

Phụ nữ cùng với những lần thai nghén, sinh con, sức khỏe dễ bị suy giảm, cùng với đó sức khỏe tâm thần cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Nếu không được chăm sóc đúng mức, được chia sẻ, quan tâm, cùng với những áp lực của cuộc sống, họ có nguy cơ rơi vào trầm cảm. Trong trạng thái bệnh tật, hầu như mất khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi, họ sẽ tự hủy hoại chính mình cũng như tước đoạt mạng sống của con đẻ của mình.

Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH) đã nghiên cứu và kết luận, do đặc điểm tâm sinh lý của giới, yếu tố sinh học, hormone và các tác động xã hội mà phụ nữ dễ bị trầm cảm hơn nam giới.

Cơ quan này cũng nhận định những người mắc bệnh trầm cảm hầu như không có khả năng tự thoát khỏi tình trạng này. Hơn lúc nào hết, họ cần có sự động viên chia sẻ giúp đỡ từ những người thân và cả sự hỗ trợ từ y học.

Các nước phát triển đều nhìn nhận trầm cảm là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn tự tử, đặc biệt là ở nữ giới và họ đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Đơn cử, ngày 25/7 vừa qua, Nhật Bản đã công bố “Các giải pháp tổng thể chống tự tử”.

Hàn Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề, trong đó có các giải pháp phòng ngừa trước mắt như lắp đặt camera giám sát trên những cây cầu bắc qua sông Hàn và theo dõi chặt chẽ những trang web có nội dung cổ vũ cho tự tử. Trong khi đó, một đạo luật được công bố hồi tháng 3/2012, nhằm thúc đẩy “văn hóa tôn trọng cuộc sống”, đã đề ra các giải pháp dài hạn, trong đó có tiến hành một cuộc điều tra toàn quốc, thiết lập đường dây khẩn cấp 24/24 giờ do chính phủ quản lý và một mạng lưới các trung tâm ngăn ngừa tự tử trên toàn quốc.

Tại Việt Nam, ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Riêng trong năm 2016, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia đã khám và điều trị cho gần 19.000 lượt bệnh nhân trầm cảm. Mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000-40.000 người.

Thật dễ dàng để lên án những người phụ nữ, nhưng đằng sau cái chết của họ là trách nhiệm của gia đình cũng như của chính xã hội. Nếu nhận được sự cảm thông, chia sẻ và chăm sóc cần thiết, những người phụ nữ đó có thể đã không rơi vào trầm cảm nặng nề và những hậu quả đau lòng đã không xảy ra...

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi