Vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo: phê bình chủ tịch tỉnh Bạc Liêu không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Tổng Thanh tra Chính phủ xác minh nội dung tố cáo của Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Minh Thắng Bạc Liêu, kết luận nội dung xác minh và kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/3/2018.
![]() |
Công văn của VPCP thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phê bình Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. |
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Tấn Khương cho biết, ngày 10/11/2016, Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại Minh Thắng Bạc Liêu (viết tắt Công ty Minh Thắng) có đơn tố cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày bức xúc về việc đầu tư một số chợ trên địa bàn TP Bạc Liêu.
Trong đơn tố cáo, Công ty Minh Thắng cho rằng chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã sắp xếp cho khoảng 100 hộ tiểu thương về buôn bán sát vách chợ A (do Công ty Minh Thắng xây dựng) với chi phí rất thấp.
Điều này gây ra áp lực cạnh tranh với tiểu thương chợ A. Tiếp đó, chính quyền có kế hoạch xuất ngân sách xây dựng chợ B chỉ cách chợ A chừng 100m là không hợp lý. Ngoài ra, Công ty Minh Thắng cũng tố cáo lãnh đạo tỉnh khóa trước đã ký cam kết với công ty nhưng lãnh đạo tỉnh khóa hiện tại không thực hiện…
Để giải quyết tố cáo của doanh nghiệp, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cùng những trình tự thủ tục theo quy định của luật pháp. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là sự chậm trễ của UBND tỉnh Bạc Liêu trong việc trả lời người tố cáo (doanh nghiệp) cũng như trả lời Chính phủ (cơ quan cấp trên), chính vì vậy Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã phê bình Chủ tịch UBND tỉnh này.
Theo thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian 1 năm, tính từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2017, Quốc hội đã nhận được 42.855 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Qua phân loại, có 28.023 đơn trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung…, chiếm 65,39% tổng số. Có 7.121 đơn đủ điều kiện xử lý.
Các cơ quan của Quốc hội đã chuyển 7.121 đơn này tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, sau đó, Quốc hội chỉ nhận được 3.591/7.121 văn bản trả lời từ các cơ quan đã chuyển đơn, chỉ đạt tỷ lệ 50,43%.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua khảo sát số khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét theo đơn chuyển từ Quốc hội, thì có đến 27,3% tổng số (30/110 vụ việc) là có căn cứ để xem xét lại. Điều đó phần nào cho thấy công tác tiếp nhận, xử lý, trả lời khiếu nại tố cáo ở các địa phương và cả ban ngành đang tồn tại nhiều vấn đề.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lo lắng về hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, sách nhiễu, chưa sát dân, chưa gần dân, kịp thời giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân.
Một trong những biện pháp hạn chế tình trạng khiếu nại tố cáo kéo dài, gây mất ổn định trật tự kinh tế xã hội là cơ quan hành chính phải làm tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý các khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên theo số liệu tổng hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 9 tháng năm 2017 chỉ có 17 tỉnh Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân, 13 tỉnh ủy quyền cho Phó Chủ tịch, còn lại là giao cho các cơ quan chuyên môn.
Trong cuộc sống hàng ngày, việc phải làm đơn khiếu nại, tố cáo cũng chỉ là biện pháp bất đắc dĩ của người dân. Đó là khi họ phát hiện những quyền và lợi ích chính đáng của bản thân họ hay của xã hội bị xâm hại. Những mâu thuẫn chỉ có thể được giải quyết, việc khiếu nại tố cáo chỉ chấm dứt khi các cơ quan có thẩm quyền thực sự vào cuộc một cách kịp thời, công tâm, đúng pháp luật. Trong đó nếu yếu tố đầu tiên (kịp thời) mang tính tiên quyết và ít nhiều đảm bảo cho các yếu tố còn lại.
Trên thực tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính, VPCP đã thiết lập Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp vào tháng 10/2016 và Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị (PAKN) của người dân vào tháng 4/2017 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Cho tới đầu tháng 11, các hệ thống đã tiếp nhận được 4.667 PAKN của người dân và 1.094 PAKN của doanh nghiệp. Trong số hơn 4.600 PAKN của người dân, có 838 PAKN thuộc phạm vi xem xét, xử lý, VPCP đã tiến hành phân loại và chuyển 470 PAKN đến các Bộ, ngành, địa phương; 368 PAKN còn lại đang đề nghị người dân cung cấp bổ sung thông tin. Các Bộ, ngành, địa phương đã xem xét, trả lời được 260/470 PAKN, đạt 55,31%.
Trong số hơn 1.000 PAKN của doanh nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương đã xem xét, trả lời được 812 PAKN, đạt khoảng 80%.
Những kết quả này đã góp phần hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Quyết định phê bình Chủ tịch tỉnh chậm giải quyết tố cáo, một lần nữa cho thấy quyết tâm đến từ cơ quan hành chính cao nhất nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” cũng như xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn