![]() |
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, sẽ có những chính sách để doanh nghiệp trong nước bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
“Sân chơi” internet của Việt Nam trong 20 năm tới
Ông Mai Liêm Trực, người vừa được bầu chọn là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển internet Việt Nam trong 1 thập kỷ, cho biết, internet đã làm thay đổi toàn bộ cách chúng ta làm việc, từ người nông dân, công nhân đến quan chức Chính phủ và cho đến toàn bộ các doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong 20 năm qua, internet đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng suất lao động vì kiến thức và công nghệ tiên tiến được đưa vào Việt Nam. Chính điều này cũng khẳng định quyết tâm hội nhập thế giới của nước ta, đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác của chúng ta.
Hiện, Việt Nam đang là điểm đến tích cực của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp internet lớn, có phạm vi toàn cầu như Google, Facebook, Alibaba, Uber, Grab, Netflix... Sự hiện diện của những doanh nghiệp này đã mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, nhiều bài toán cũng được đặt ra cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong nước khi internet phát triển. Ví dụ như sự mạnh của taxi công nghệ đang khiến nhiều hãng taxi truyền thống đứng bên bờ vực phá sản, hay Facebook, YouTube kiểm soát tới 80% thị phần quảng cáo tại Việt Nam (tương đương doanh thu hơn 350 triệu USD), 98% thị phần công cụ tìm kiếm trong tay Google, 98% thị phần mạng xã hội thuộc về Facebook, YouTube, 95% thị phần email thuộc về Yahoo, Gmail....
Chính vì vậy, trong 20 năm tới, không thể dự báo được internet của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào. “Vì 10 năm trước đây, chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được đến nay, chỉ cần một chiếc smartphone có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người, thậm chí còn làm biến mất một số ngành công nghiệp”, ông Mai Liêm Trực chia sẻ.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VNG – một trong 10 nhân vật được ghi nhận có nhiều đóng góp và ảnh hưởng nhất tới internet Việt Nam trong thập kỷ qua, cũng nhận định, dự đoán tương lai là điều vô cùng khó. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn đã, đang và sẽ xảy ra, đó là Internet nói riêng và công nghệ nói chung luôn là một phần không thể tách rời của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế Việt Nam, nhất là trong 10 năm tới.
“Hiện tại, internet Việt Nam và thế giới không có ranh giới và trong tương lai cũng vậy. Sẽ chỉ còn khái niệm sân chơi internet chung cho các doanh nghiệp. Điều quan trọng là mình phải hành động như thế nào trong thị trường đó”, ông Lê Hồng Minh chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong 20 năm tới, internet của tương lai sẽ là internet kết nối vạn vật, và internet Việt Nam cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ với những trào lưu mới trên thế giới.
Cần bình đẳng giữa các DN trong sân chơi chung!
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VCCorp, nội dung số là lãnh địa quan trọng cuối cùng mà internet Việt Nam hiện nay còn giữ được, trong đó còn duy một mảng rất mạnh là OTT (các ứng dụng và nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng internet) của Zalo. Còn lại về cơ bản, nội dung số của Việt Nam đang chiếm khoảng 45-50% thị phần.
Hiện nay, doanh thu của mảng nội dung số của Việt Nam khoảng 1 tỷ USD/năm, cùng với những công ty mở ra nhiều thị trường như VNG, VTC, VCCorp… doanh thu hơn 600 triệu USD/năm. Ước lượng giá trị kinh tế tương đương với 5-8 tỷ USD xuất nhập khẩu của nước ta, với giá trị thặng dư 54%. Như vậy, nếu nội dung số tiếp tục phát triển tăng trưởng gấp 5-10 lần thì tương đương những ngành quan trọng nhất của Việt Nam, ông Nguyễn Thế Tân phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Minh nhận định, có thể trong 10 năm tới, internet sẽ vượt xa tầm ảnh hưởng của nội dung số. Các trận chiến sắp tới là của các ngành mới, ví dụ như Uber, Grab với taxi truyền thống là những trận chiến đang rất nóng hổi.
Một ví dụ khác, đó là cuộc tranh cãi nóng hổi gần đây về chuyện đặt máy chủ ở Việt Nam, ông Lê Hồng Minh chia sẻ, chúng ta rất khó, thậm chí không thể nào cấm cửa các dịch vụ lớn của nước ngoài như Google, Facebook. Đó là một trận chiến mà chúng ta không đi ngược lại được.
Chính vì vậy, luôn luôn có một sự mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp internet công nghệ với các ngành nghề kinh doanh truyền thống. Mâu thuẫn đó là một quá trình phát triển bình thường của kinh tế, xã hội. Nhìn xa hơn đó là quá trình thay đổi của mô hình kinh doanh cũng như sự thay đổi của công nghệ áp dụng trong kinh doanh.
Hiện các nước phát triển cũng chưa có giải pháp để kiểm soát Facebook, Google, Amazon, Alibaba… mà cũng mới đang đi tìm cách. Theo các chuyên gia, Việt Nam có một lợi thế là đi sau, nên sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong “sân chơi” này là phải có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan quản lý cần tiếp tục tháo gỡ, loại bỏ các rào cản gây khó khăn, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, chúng ta muốn vươn lên thì phải tiếp cận với internet. Hiện, Chính phủ và Bộ TT&TT cũng đã và đang tìm cách để có những chính sách cởi mở hơn.
“Chúng ta không cấm doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam nhưng phải có chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài”, Bộ trưởng khẳng định.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn