Hơn 900.000 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia

Thứ hai - 25/06/2018 03:23
Sáng 25/6, hơn 900.000 thí sinh trên cả nước bước vào thi môn Ngữ văn - môn đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. 

Chiều 25/6, các thí sinh sẽ thi môn Toán với thời gian làm bài 90 phút. Thời gian phát đề thi cho thí sinh bắt đầu lúc 14h20’, giờ bắt đầu làm bài là 14h30’. 



Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong kỳ thi năm nay, các thí sinh tiếp tục được thi tại huyện, như vậy rất thuận lợi cho các em thí sinh. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng kỳ thi, độ tin cậy của kết quả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành một số giải pháp rất nghiêm ngặt. 

Cụ thể như, cán bộ coi thi không coi thi lớp 12 mà mình vừa giảng dạy; mỗi phòng thi có 2 cán bộ, một đến từ các trường đại học và một đến từ các sở Giáo dục và Đào tạo để giám sát lẫn nhau. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ giám sát không giám sát quá 7 phòng thi. Năm nay, Bộ tăng cường thanh tra cắm chốt ngay tại các điểm thi. 

Với các môn thi trắc nghiệm, trong mỗi phòng thi, mỗi thi sinh tiếp tục có một mã đề riêng.
Các thí sinh bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2018


Môn Ngữ văn là một trong 3 môn thi bắt buộc để tính điểm xét tốt nghiệp THPT và cũng là môn mà nhiều trường đại học, cao đẳng lựa chọn để xét tuyển thí sinh vào trường. Từ năm 2017 đến nay, thời gian thi môn Ngữ văn giảm xuống còn 120 phút thay vì 180 phút như trước đây nhằm giảm áp lực cho học sinh. Đề thi gồm các phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và có câu hỏi yêu cầu thí sinh phải vận dụng tư duy sáng tạo, gắn kiến thức văn học với đời sống xã hội. 

 

Trong tập huấn cho cán bộ coi thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng ngành công an hướng dẫn cho cán bộ coi thi các kỹ năng phòng chống, phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao. Cục trưởng Mai Văn Trinh nhấn mạnh, dù thiết bị có tinh vi đến mấy, nếu cán bộ coi thi làm hết trách nhiệm của mình vẫn phát hiện được. Do đó, đây là yêu cầu cao đối với tất cả các cán bộ coi thi. Mọi vi phạm của thí sinh cũng như cán bộ đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của quy chế cũng như của pháp luật hiện hành.
 
Chiều 25/6, các thi sinh sẽ thi môn Toán


Năm nay, trong quy chế thi và trong chỉ đạo, Bộ đặc biệt coi trọng việc phòng ngừa các gian lận bằng công nghệ cao. Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia có sự tham gia của đơn vị phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an. 

 

Cũng trong sáng nay, tại TPHCM, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn đã kiểm tra tại một số điểm thi và làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố về công tác tổ chức thi.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, kỳ thi năm nay thành phố có 78.332 thí sinh đăng ký dự thi với 124 điểm thi, hơn 8.000 cán bộ coi thi. Trong chiều 24/6, hơn 1.000 thí sinh không đến làm thủ tục đăng ký dự thi. Trước đó, Sở đã tập huấn về nghiệp vụ cho tất cả trưởng, phó điểm thi và các cán bộ coi thi; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi. Thành phố có 5 điểm thi có thí sinh đặc biệt như bị khuyết tật, có một số thí sinh bị tai nạn giao thông trước kỳ thi, được đặc cách xét tốt nghiệp THPT nhưng do có nhu cầu xét tuyển đại học nên các em vẫn đến dự thi. Sở đã đã bố trí phòng thi đúng theo quy định của Bộ. 

Theo phóng viên TTXVN, sáng 25/6, trên địa bàn thành phố Hà Giang, trời mưa to, lũ lớn trên các sông, suối tràn vào, việc di chuyển đến 2 điểm thi trên địa bàn thành phố Hà Giang là Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang và Trường THPT Lê Hồng Phong rất khó khăn. Nhiều xe chuyên dụng của lực lượng công an, quân đội đã đưa đón thí sinh tại các khu vực bị ngập sâu. 

Khu vực phường Ngọc Hà và xã Ngọc Đường thuộc thành phố Hà Giang bị chìm sâu trong nước, Ban Giám hiệu Trường THPT Ngọc Hà đã thông báo tới tất cả các thí sinh tập trung tại một điểm để bố trí các xe chuyên dụng hoặc xuồng đưa các em đến các điểm thi kịp thời. 

Theo ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, đề thi đã được ngành chức năng tỉnh Hà Giang đưa đến từng điểm thi kịp thời. Toàn bộ giảng viên của các trường đại học, cao đẳng phối hợp tổ chức thi và giáo viên phổ thông đã đến các điểm thi an toàn. 

Tại huyện đảo Cô Tô, (tỉnh Quảng Ninh), Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hồng Giang cho biết, huyện đã chuẩn bị 2 máy phát (1 máy dự phòng) giao cho Chi nhánh điện lực Cô Tô vận hành tại điểm thi Trường THPT Cô Tô nhằm bảo đảm đủ ánh sáng, quạt mát cho các em tại tất cả các phòng thi và phục vụ tốt cho công tác của Hội đồng thi THPT Quốc gia - điểm thi Cô Tô.
Các phụ huynh hồi hộp chờ con ở cổng trường


Tại Hà Giang, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài cùng với việc thủy điện đầu nguồn xả lũ, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã bị cô lập hoàn toàn. Tỉnh Hà Giang đã chủ động triển khai phương án ứng phó với các tình huống bất thường, nỗ lực đưa các thí sinh dự kỳ thi THPT Quốc gia đến điểm thi đúng giờ. 

Sự cố sét đánh làm hỏng đường dây truyền tải điện 22kV khiến toàn huyện đảo Cô Tô bị mất điện từ hôm 18/6 đến nay vẫn chưa được khắc phục. Tuy nhiên, huyện Cô Tô đã sớm xây dựng phương án cung cấp điện phục vụ tốt nhất cho các em học sinh tham dự kỳ thi, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Ngoài ra, huyện Cô Tô còn chuẩn bị đầy đủ về các điều kiện vật chất, trang thiết bị tại điểm thi, y tế, an ninh, công tác tiếp sức mùa thi của Đoàn Thanh niên sẵn sàng phục vụ cho các em và Hội đồng thi một cách tốt nhất. 

 

Tại Bình Thuận, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã chuẩn bị tốt nhất để hỗ trợ tất cả các em học sinh từ huyện đảo Phú Quý vào đất liền dự thi.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi