|
Nguồn: Ngân hàng EBRD |
Theo thông báo của chính quyền Ukraine, ngày 29/11, mái vòm này đã được kết nối thành hoàn chỉnh và được đặt đúng vị trí. Do quy mô rất lớn nên mái vòm này được xây dựng thành 2 giai đoạn. Đây mới chỉ là công đoạn quan trọng nhất của toàn bộ công trình khổng lồ, nhằm chôn vùi vĩnh viễn lò phản ứng hạt nhân số 4, nơi xảy ra thảm kịch rò rỉ hạt nhân cách đây hơn 30 năm. Dự kiến toàn bộ công trình này sẽ được hoàn tất vào tháng 11/2017.
Như đã đưa tin ngày 15/11, công việc di chuyển và "chụp" một mái vòm bằng thép nặng 36.000 tấn lên lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đang được triển khai.
Cách đây hơn 30 năm, vào lúc 1h23' sáng ngày 24/6/1986, lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, nằm cách thủ đô Kiev khoảng 100 km, bất ngờ phát nổ.
Theo tính toán, còn khoảng 200 tấn urani trong lò phản ứng hạt nhân bị nổ 30 năm trước. Để ngăn cản chất phóng xạ rò rỉ và bay ra từ lò phản ứng số 4, người ta đã xây dựng mái vòm bằng bê tông bao quanh lò phản ứng này.
Đến năm 2010, lo ngại về mái vòm Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã quá cũ nát và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, Ukraine đã bắt tay vào xây dựng một mái vòm thép khác thay thế mái vòm cũ.
Số tiền chế tạo mái vòm thép này được hơn 40 quốc gia và Ngân hàng EBRD đóng góp. Ngoài ra, nhóm G7 và Hội đồng châu Âu (EC) sẽ đóng góp thêm khoảng 165 triệu USD. Mái vòm mới này được trang bị rất nhiều công nghệ hiện đại để bảo đảm rằng nếu có chuyện gì xảy ra với Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, mái vòm này đủ khả năng ngăn chặn các chất phóng xạ độc hại rò rỉ ra ngoài.
Công trình bằng thép này dự kiến được sử dụng trong ít nhất 100 năm, có thể chống chịu điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ từ -43°C đến 45°C, gió bão với vận tốc 250-330 km/giờ và động đất đến 7 độ Richter.