Hạnh phúc mỉm cười sau những ngày vô vọng

Thứ hai - 20/08/2018 04:38
Lấy nhau 9 – 10 năm, thậm chí tới 20-21 năm chưa thể có con, nhiều lúc tưởng chừng rơi vào vô vọng, nhưng nhiều cặp vợ chồng đã tìm thấy ánh sáng hạnh phúc từ những kỹ thuật hỗ trợ vô sinh hiện đại.

Những hình ảnh hạnh phúc của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh: VGP/Hiền Minh


Tại hội thảo “Tuần Lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2018” tổ chức ngày 18/8, BS Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, các cặp vợ chồng bị hiếm muộn rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Chị Dương Phương Linh và Nguyễn Tùng Anh cưới nhau đã 9 năm, ba lần chị Dương Phương Linh mang thai trong thời gian này nhưng đều phải đình chỉ thai khi ở những tuần cuối thai kỳ vì thai nhi bị giãn tim… do cả 2 vợ chồng chị đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) – một bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới, gây hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi.

Tuy nhiên, sau 9 năm mòn mỏi với không ít lần nản lòng, năm 2017, hai vợ chồng chị đã chuyển phôi thành công nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ trong thụ tinh trong ống nghiệm.

ThS.BS Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc trung tâm xét nghiệm di truyền Gentis cho biết, trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ được ứng dụng để chẩn đoán các bất thường nhiễm sắc thể hoặc các bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể, trong đó có bệnh thalassemia.

Với trường hợp gia đình chị Phương, anh Tùng Anh phải áp dùng kỹ thuật này với cả hai vợ chồng mới có tỷ lệ thành công cao. Với khả năng chọn lọc sâu, kỹ thuật này giúp loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành, chỉ giữ lại những phôi khoẻ mạnh.

Rất may mắn, cặp gia đình chị Dương Phương Linh và Nguyễn Tùng Anh đã chuyển phôi thành công và hạnh phúc đón đứa con đầu lòng vào đầu năm 2018. Điều hạnh phúc hơn nữa là trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. “Hiện, mình vẫn còn trữ phôi và sẽ dự định sinh bé thứ 2 trong ba năm tới”, chị Linh chia sẻ.

Cặp vợ chồng anh Lý Chí Thanh cũng không giấu nổi niềm vui vô bờ bến sau nhiều năm hai vợ chồng  khắc khoải chờ đợi có con. "Niềm hạnh phúc không thể diễn được bằng lời khi tôi đón nhận tin, mình được làm bố. Tất cả là nhờ y học tiên tiến và sự tận tâm của các bác sĩ ", anh Thanh chia sẻ.

Vợ chồng anh lấy nhau hơn 5 năm, cũng chừng đó thời gian hai vợ chồng có hành trình tìm kiếm con với nhiều cung bậc cảm xúc, hy vọng rồi thất vọng, đi tiếp hay bỏ cuộc. Nguyên nhân được xác định do anh Thanh vô tinh. Tuy nhiên, hạnh phúc đã mỉm cười khi vợ chồng anh Thanh được các bác sĩ sản khoa can thiệp bằng phương pháp kỹ thuật Micro Tese.

Theo BS. Đinh Hữu Việt, bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, đây là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng, trích tinh trùng hiệu quả và an toàn cho những trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn teo. Sau khi tìm được tinh trùng sẽ thụ tinh ống nghiệm. Phương pháp này mở ra chân trời điều trị vô sinh, giúp nhiều cặp vợ chồng vô tinh có thể có con của chính mình, vốn là điều mà trước đây không thể thực hiện được.

Hiện nay, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội đã thực hiện thành công 31% ca có thai trong bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), 42% ca có thai trong chuyển phôi tươi, 63% ca chuyển phôi đông lạnh. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã thực hiện thành công thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người chồng bị liệt nửa người, bệnh nhân nữ có bất thường tử cung như tử cung đôi, bệnh nhân có chồng bị ung thư tinh hoàn, bệnh nhân 23 năm có thai lần đầu, bệnh nhân bị bất thường nhiễm sắc thể…

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi